Người lao động rơi vào tình trạng đi làm như thất nghiệp không muốn hoặc không có cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, tạo ra giá trị trong công việc, dẫn đến năng suất và hiệu quả thấp.
Mỗi ngày ở công ty của Bảo Minh thường chỉ có hai tiếng "làm việc" thực sự bằng cách dùng ChatGPT soạn 8 nội dung để đăng fanpage, 6 tiếng còn lại để xem phim.
"Mình làm công sở nên khá nhàn", chàng trai 23 tuổi mô tả công việc tại một công ty truyền thông ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Hồi tháng 5, Minh được nhận vào vị trí content marketing, viết nội dung cho fanpage và website công ty. Khối lượng công việc được tính bằng số bài đăng và lượt tương tác trên mạng xã hội, lương 10 triệu một tháng.
Minh nói ban đầu rất thích công việc này và sáng tạo nội dung cũng là sở trường của anh. Nhưng cảm hứng với công việc sớm bị dập tắt. "Nhân sự nói cần 'làn gió mới' là người trẻ nhưng thực sự không phải vậy", anh kể. Trưởng phòng marketing, người hơn anh 13 tuổi thường không hài lòng với nội dung Minh viết, cho rằng khó hiểu và khác biệt.
Hai tuần đầu, mỗi bài đăng 300 chữ Minh thường phải sửa hơn 5 lần. Kết quả là toàn bộ ý tưởng của anh đều bị thay đổi. Chàng trai chán nản, muốn nghỉ việc sau một tháng nhưng nhớ đến sự bấp bênh của hai năm làm tự do trước đó nên cố bám trụ.
Sau nhiều chiến dịch marketing, anh nhận ra chỉ cần làm theo ý cũ, không cần phải sáng tạo thêm. "Lương thấp cũng khiến tôi 'lười' cãi lại sếp", anh nói.
Minh chuyển sang sử dụng AI để soạn nội dung và sửa lại đôi chút. Hàng ngày, 9 giờ Minh đến cơ quan bấm vân tay chấm công, hơn 11 giờ là xong việc. Thời gian còn lại, anh buôn chuyện với đồng nghiệp, xem phim hoặc đọc truyện.
Sếp ngồi ở phòng khác cũng không mấy quan tâm đến việc Minh làm, chỉ đánh giá qua việc anh có mặt ở công ty đầy đủ.
Hải Yến, 29 tuổi, thường được bạn bè nhận xét có công việc trong mơ. Cô không bị giới hạn giờ giấc có mặt ở văn phòng kể khi chuyển từ phòng sự kiện sang sản xuất nội dung của một công ty in ấn phẩm ở quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Yến nói đây là sự luân chuyển bắt buộc khiến cô rơi vào trạng thái chán nản, không hứng thú. Số lượng sản phẩm của cô luôn ít nhất so với bốn đồng nghiệp cùng phòng.
Tuy nhiên, cô nằm trong biên chế sau 6 năm làm việc với mức lương 8 triệu đồng. Yến nói mức lương này không đủ động lực để phải cố gắng hơn. Cô quen dần với những lời chỉ trích và chuyển sang tâm trạng chờ sa thải. "Tôi không còn được làm điều mình yêu thích nên luôn mệt mỏi, không muốn tiến lên", cô nói.
Hàng ngày Yến đến công sở lúc 11 giờ và ăn trưa, nghỉ ngơi đến 14 giờ. Thời gian làm việc thực tế của cô kéo dài một đến hai tiếng. Khoảng 16 giờ, cô sẽ thay quần áo đi chạy bộ ở công viên cách cơ quan 3 km, tạt qua siêu thị mua thức ăn và tận hưởng buổi tối không mang việc về nhà.
Yến và Minh là những điển hình của người lao động rơi vào tình trạng jobless employed (đi làm như thất nghiệp) - thuật ngữ mô tả những người có công việc nhưng không làm việc hoặc làm rất ít. Họ không muốn hoặc không có cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, tạo ra giá trị trong công việc, dẫn đến năng suất và hiệu quả thấp.
Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2020 cho thấy khoảng 22% số lao động trên thế giới rơi vào tình trạng jobless employed. Ở Việt Nam, khảo sát tương tự của CareerBuilder cho thấy 58% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại của mình.
Ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, cho rằng hiện tượng này xảy ra phổ biến ở Gen Z và thế hệ Millennials bởi nhiều nguyên do.
Đầu tiên, Gen Z - thế hệ chiếm 1/3 lực lượng lao động ở Việt Nam đã thay đổi các ưu tiên về công việc. Họ xem mục đích và hạnh phúc chung trong công việc rất quan trọng nên những công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán và mơ hồ về tương lai khiến họ chán nản và mất động lực.
Sự tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã thay đổi cách thức làm việc của nhiều công ty và cá nhân. Họ tận dụng số hóa để giản lược thời gian làm việc.
Hiện tượng jobless employed cho thấy bộ phận quản lý nhân sự cũng đang có vấn đề. Họ chọn sai nhân sự hoặc đặt sai vị trí khiến người lao động cảm thấy không phù hợp về mặt giá trị và không thích ứng được với văn hóa công ty. "Mất động lực và niềm tin sẽ dẫn đến văn hóa trì trệ và vô trách nhiệm", ông Chung nói. Chuyên gia cho rằng đây là trách nhiệm của nhiều bên liên quan.
Ông Chung nói hiện tượng trên cũng xảy ra phổ biến ở nhóm lao động đang ký hợp đồng biên chế, không xác định thời hạn do được pháp luật bảo vệ. Việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm này tương đối khó khăn và vướng phải các rắc rối pháp lý.
Do đó, họ vô tình tạo ra lực lượng "zoombie công sở", nhóm người không chịu học hỏi, không làm việc nhưng cũng không nghỉ việc. Điều này dễ gây sự mâu thuẫn trong nội bộ.
Khánh Thy, 29 tuổi, là một trong số đó. Thy và đồng nghiệp ở công ty sữa thuộc quận 1, TP Hồ Chí Minh gọi một nhân sự ở phòng kinh doanh là "người bất tử" bởi không bị đuổi việc.
Anh được lên vị trí quản lý sau khi mang về một số dự án tốt cho công ty ba năm trước. Người đàn ông này hàng ngày check-in đúng giờ nhưng sau đó thường ra ngoài không rõ lý do. Nhiều đồng nghiệp phàn nàn sự chậm chạp, không nhạy bén, chểnh mảng nhưng nhân sự này vẫn ở lại công ty.
"Trong giai đoạn căng thẳng của dự án mới, chúng tôi phải tăng ca còn anh ta không biết đang ở đâu", Thy kể.
Ông Chung cho rằng hiện tượng jobless employed ở người lao động có thể hạn chế và giảm thiểu bằng việc xây dựng hệ thống ghi nhận năng suất, thành tích, báo cáo kết quả làm việc chi tiết từng người, bộ phận, phòng ban.
Công ty cũng cần tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện các công việc cụ thể tại nơi làm việc. Đồng thời, ở nhóm thiếu động lực, họ cần được tìm hiểu và lắng nghe chủ động để tìm ra vấn đề có liên quan.
Đầu 2024, Hải Yến quyết định nghỉ việc do lo lắng bản thân gần bước sang tuổi 30, không tìm được định hướng tương lai. Yến nói bị sốc trước guồng quay công việc ở một công ty tư nhân bởi cách làm việc và chấm năng suất đều khác trước.
"Có lẽ tôi đã thả trôi mình quá lâu và cảm thấy khó khăn khi thực sự làm việc", cô nói.
TB (theo VnExpress)