Lao động có giao kết hợp đồng từ một tháng, người có thu nhập ổn định, thường xuyên có thể được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.
Bộ Tư pháp đang thẩm tra hồ sơ xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo, đề xuất mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh các nhóm như luật hiện hành, cơ quan này đề xuất bổ sung người lao động có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ một tháng; người có hợp đồng từ một tháng trở lên nhưng làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo Luật Bảo hiểm xã hội (hiện là 3,45-4,96 triệu đồng tùy vùng).
Ngoài ra, quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng nằm trong diện đề xuất đóng bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ sẽ bổ sung nhóm có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Theo luật hiện hành, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh...
Giải thích về đề xuất mở rộng diện đóng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng đây là biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp tăng cường lưới an sinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thông qua Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho lao động, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, công nghệ.
Việc mở rộng diện đóng sẽ giúp người có giao kết hợp đồng 1-3 tháng, quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, quản lý điều hành hợp tác xã... được hưởng chế độ khi bị mất việc làm. Họ cũng sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
Luật Việc làm hiện hành được thông qua vào tháng 11/2013, có hiệu lực từ 1/1/2015. Sau gần 10 năm, cơ quan soạn thảo cho rằng hệ thống bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết quan hệ lao động. Người lao động có hợp đồng 1-3 tháng không tham gia, trong khi đây là diện nguy cơ mất việc làm cao. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp, chưa chú trọng giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.
Giai đoạn 2015-2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020 có trên một triệu người. Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Khi sửa đổi Luật Việc làm, cơ quan soạn thảo dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 150.000.
Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
TB (theo VnExpress)