Theo rankred.com, tiêu chí đánh giá một cơ quan tình báo là sự tổng hợp của kinh phí hoạt động, quá trình đào tạo… và công nghệ mà họ sử dụng.
1. Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) - Mỹ
Thành lập 1947
Ngân sách năm: 15 tỷ USD (2013)
Trụ sở CIA; Nguồn: wikipedia.org
Được Tổng thống Truman thành lập năm 1947, động cơ chính của CIA là làm trung gian phân tích và tình báo chính sách đối ngoại trên toàn quốc. Ngày nay, nó là cơ quan quyền lực nhất trong Cộng đồng Tình báo Mỹ. Hầu hết các nguồn lực và nhân lực của tổ chức này được dành cho việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài với một lượng dữ liệu trong nước tối thiểu.
CIA cũng là một trong những tổ chức chính phủ được tài trợ rất nhiều ở Mỹ. Trong lịch sử, CIA đã tham gia nhiều cuộc sự kiện quốc tế, bao gồm cả cuộc đảo chính Guatemala năm 1954, các sự kiện chính trị ở Syria, Indonesia và Congo.
2. Cơ quan Tình báo mật - Anh
Thành lập: 1909
Ngân sách năm: 2,69 tỷ USD (2015)
Trụ sở MI6; Nguồn: Confidential-Spy-Files-Leaked
Còn được gọi là MI6, Cơ quan Tình báo Anh (SIS) là một trong những tổ chức được nể trọng nhất trong thế giới tình báo. Sự tồn tại của SIS chỉ được chính thức thừa nhận vào năm 1994, gần 9 thập kỷ sau khi thành lập. Không giống như MI5, lãnh địa của SIS chỉ giới hạn đối với các đối tượng và thực thể bên ngoài quần đảo Anh. Trong lịch sử, cơ quan này tham gia Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh và các tranh chấp khu vực khác trên toàn thế giới.
3. Mossad - Israel
Thành lập: 1949
Ngân sách năm: 2,7 tỷ USD
Mossad là một trong những cơ quan tình báo đối ngoại lâu đời nhất, có năng lực nhất và đáng sợ nhất trên thế giới. Ngoài thu thập thông tin tình báo, Mossad được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động chống khủng bố và hoạt động bí mật ở nước ngoài. Năm 2017, Mossad đã thành lập quỹ đổi mới công nghệ Libratad để đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp. Cơ quan này có các đơn vị chống khủng bố là Kidon và Metsada cho các nhiệm vụ rất nhạy cảm - ám sát và phá hoại cấp cao trên toàn cầu.
Hầu hết các hoạt động bí mật do Mossad thực hiện đều vì lợi ích của cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới. Sau Vụ thảm sát Munich năm 1972, cơ quan này đã thực hiện một hoạt động bí mật lớn (“Sự phẫn nộ của Chúa”) để theo dõi và loại bỏ các thành viên của nhóm chiến binh vũ trang Palestine có liên quan đến vụ tấn công. Chiến dịch bao trùm từ Italy, Pháp, Hy Lạp và Na Uy đến Lebanon, Algeria và Libya.
4. GCHQ - Anh và NSA - Mỹ
Thành lập: 1919 (GCHQ); 1952 (NSA)
Trụ sở Truyền thông Chính phủ (Government Communications Headquarters – GCHQ) là một tổ chức an ninh chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Anh và các lực lượng vũ trang của họ. GCHQ có hai thành phần: Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia (NCSC) và Tổ chức Tín hiệu Tổng hợp (GCHQ Bude). NCSC đánh giá mối đe dọa và cung cấp lời khuyên liên quan đến an ninh mạng cho các tổ chức tư nhân và chính phủ ở Anh. Còn GCHQ Bude thực hiện các hoạt động thu thập thông tin tình báo rộng hơn nhiều, chẳng hạn như đánh chặn dữ liệu vệ tinh và cáp.
Đối tác của GCHQ là Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ, là một trong những cơ quan tình báo được công khai nhiều nhất trên thế giới. NSA chịu trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin liên quan đến an ninh từ cả trong và ngoài nước để hỗ trợ các cơ quan an ninh liên bang khác của Mỹ. NSA tham gia vào việc giám sát hàng loạt thông qua các chương trình hack và nghe lén bí mật. Về ngân sách, NSA là tổ chức tình báo lớn thứ hai ở Mỹ sau CIA. Cả GCHQ và NSA đều là những cơ quan tình báo thu thập thông tin liên quan đến bảo mật hàng đầu trên thế giới, thường cộng tác trong các dự án khác nhau.
5. Cơ quan tình báo đối ngoại (SVR) - Nga
Thành lập: 1991
Cơ quan Tình báo Liên bang Nga (SVR) kế nhiệm vai trò cơ quan tình báo đối ngoại sau khi Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) bị giải tán năm 1991. Nhiệm vụ của cơ quan này bao gồm thu thập thông tin tình báo, thực hiện các hoạt động gián điệp chiến lược và kinh tế cũng như bảo vệ các quan chức Nga ở nước ngoài.
Sau khi hình thành, SVR đóng một vai trò ảnh hưởng hơn trong các chính sách đối ngoại của Nga. Được biết, đây là cơ quan có thẩm quyền quyết định trong việc chuyển giao công nghệ hạt nhân của Nga cho Iran. SVR thường làm việc cùng với đơn vị tình báo quân sự nước ngoài của Nga, GRU, để thực hiện các hoạt động gián điệp và bí mật tại nhiều nước.
6. Bộ An ninh Quốc gia - Trung Quốc
Thành lập: 1983
Ngân sách năm: 8 tỷ USD (2018)
Bộ An ninh Quốc gia (MSS) là cơ quan dân sự phụ trách thu thập thông tin tình báo trong và ngoài nước và phản gián của Trung Quốc. Cơ cấu MSS hiện tại có từ năm 1983 sau khi hợp nhất Cục Điều tra Trung ương (cơ quan tình báo đối ngoại) và Cục phản gián của Bộ Công an. Với sự hiện diện đáng kể ở khắp năm châu lục, MSS được coi là một trong những cơ quan tình báo mạnh và có ảnh hưởng trên thế giới.
7. Cơ quan Tình báo Liên bang (BND) - Đức
Thành lập: 1956
Ngân sách năm: 2,1 tỷ USD (năm 2021)
Cơ quan tình báo Đức (Bundesnachrichtendienst - BND) được thành lập năm 1956 với sự giúp đỡ của CIA và đóng vai trò là cửa ngõ duy nhất để các cơ quan gián điệp phương Tây giám sát chặt chẽ khối phía Đông. Trong suốt những năm 1960-1970, BND được coi là cơ quan tình báo có thông tin tốt nhất về Tây Á (Trung Đông). Ngày nay, cơ quan này chịu trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin liên quan đến khủng bố quốc tế, chống phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức.
Giống như CIA, cơ quan này tham gia vào việc giám sát hàng loạt. Một sĩ quan BND đã đàm phán thành công việc trao đổi tù nhân giữa Israel và nhóm phiến quân Hồi giáo Shia Hezbollah, diễn ra năm 2018. Được khánh thành vào năm 2019, trụ sở BND ở Berlin trải dài trên diện tích tương đương với 36 sân bóng đá, là trụ sở tình báo lớn nhất thế giới và có thể chứa được khoảng 6.500 nhân viên.
8. Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE) - Pháp
Thành lập: 1982
Ngân sách năm: 731 triệu USD
Tổng cục An ninh Đối ngoại (viết tắt trong tiếng Pháp là DGSE), là một trong những cơ quan tình báo có ảnh hưởng nhất trên thế giới. DGSE trực thuộc Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp và có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và phản gián, cũng như tiến hành các hoạt động đặc biệt ở nước ngoài.
Phù điêu của DGSE; Nguồn: wikipedia.org
DGSE cũng chuyên về gián điệp kinh tế - thu thập kiến thức về sở hữu trí tuệ (sản phẩm công nghiệp, kỹ thuật, ý tưởng) hoặc thông tin hoạt động (R&D, chiến lược) chống lại các quốc gia khác. Trong suốt những năm 1970 và 1980, DGSE đã theo dõi một số công ty công nghệ lớn nhất ở Mỹ. Trong những năm qua, cơ quan này đã tham gia vào nhiều cuộc nội chiến, đảo chính, chống khủng bố và hoạt động cứu hộ trên khắp thế giới.
9. Tình báo liên ngành - Pakistan
Thành lập: 1948
Tình báo liên ngành (ISI), là cơ quan tình báo đối ngoại của Pakistan. Các nhân viên ISI chỉ được tuyển dụng từ ba quân chủng của Lực lượng vũ trang Pakistan. ISI nổi tiếng với các chiến thuật gây hấn bao gồm chiến tranh tâm lý và lật đổ.
ISI là một trong số ít các cơ quan tình báo trên thế giới có sự hiện diện thống trị ở Afghanistan cho đến nay. Nó đóng một vai trò quan trọng trong Chiến tranh Afghanistan trong những năm 1980 bằng cách cung cấp hỗ trợ hậu cần và tình báo cần thiết cho các phiến quân Afghanistan. ISI cũng như thực hiện các hoạt động bí mật ở Ấn Độ, Libya, Iran và Iraq.
10. Cơ quan tình báo bí mật của Australia
Thành lập: 1952
Ngân sách năm: 337 triệu USD (2017)
Cơ quan Tình báo Australia (ASIS), là bộ phận của Cộng đồng Tình báo Australia, có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo từ nước ngoài liên quan đến an ninh nội địa và lợi ích chiến lược của Australia. Được thành lập năm 1952 theo lệnh hành pháp, tuy nhiên, sự tồn tại của ASIS lần đầu tiên được công khai vào năm 1972. Hầu hết các hoạt động của ASIS trong những năm gần đây vẫn được giữ bí mật.
Trong một cuộc họp báo công khai vào năm 2012, Tổng giám đốc ASIS đã tuyên bố, họ đang gia tăng chỗ đứng của mình ở một số khu vực biến động nhất trên thế giới. Năm 2013, cơ quan này đã tham gia vào việc bắt giữ một binh sĩ Afghanistan giả mạo và bị tình nghi là điệp viên Taliban, kẻ đã giết ba binh sĩ Australia trong một cuộc tấn công nội gián tại một căn cứ xăng dầu.
Theo VOV