Nông nghiệp - Nông thôn

Tỏi, ớt ở Nam Tân đạt năng suất cao nhờ ứng dụng công nghệ sinh học

NHƯ HUẾ 30/03/2024 11:20

Năm 2023, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã phối hợp áp dụng chăm bón bằng công nghệ sinh học trên hơn 6 ha tỏi, ớt. Năng suất tỏi, ớt đạt được mức cao hơn so với cách trồng thông thường.

a1-nong-dan-phan-khoi-thu-hoach-toi.jpg
Tỏi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Tân được áp dụng công nghệ sinh học trong chăm bón cho năng suất, hiệu quả cao

Với mục đích tìm cách chăm bón hiệu quả, thân thiện với môi trường theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năm 2023, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Tân đã phối hợp với Công ty CP Thương mại quốc tế Âu Lạc triển khai và áp dụng chăm bón bằng công nghệ sinh học đối với hơn 4 ha tỏi và 2 ha ớt. Quy trình được áp dụng từ khâu xử lý đất cho đến trồng và chăm sóc với sản phẩm vi sinh Micro Bio Âu Lạc.

Kết quả cho thấy cây trồng có bộ rễ khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trồng cho nâng cao năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí đầu tư so với việc dùng phân bón hóa học từ 30 - 40%. Dịch hại trên cây trồng cũng giảm. Giảm việc dùng thuốc hóa học từ 60 - 70%. Ông Trần Đình Tưởng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Tân cho biết: "Khi áp dụng công nghệ sinh học vào chăm sóc cây trồng, tôi thấy sức khỏe của đất được cải tạo, sức sống của cây khỏe, tăng năng suất và hiệu quả, giảm lượng phát thải cho nông nghiệp. Trong thời gian tới, hợp tác xã có kế hoạch nhân rộng hơn cho các mô hình khác".

a2-ot-duoc-trong-va-cham-soc-bang-cong-nghe-sinh-hoc.jpg
Trồng ớt áp dụng công nghệ sinh học cho năng suất cao

Hiện nay toàn bộ diện tích trồng tỏi áp dụng công nghệ sinh học của hợp tác xã đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt từ 1 - 1,2 tấn/sào, cao hơn khoảng 3-4 tạ/sào so với tỏi trồng thông thường. Đáng nói là trồng theo phương pháp này tỏi chắc mẩy, chất lượng tốt, được thương lái ưa chuộng. Với giá bán 15.000 - 17.000 đồng/kg, 1 sào tỏi cho thu từ 15 -18 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Vụ này, hợp tác xã chỉ xuất bán trên 60 tấn, còn lại để dành làm giống cho việc mở rộng diện tích vụ sau.

Đối với cây ớt, việc áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình trồng và chăm sóc cũng đã khẳng định hiệu quả. Bộ rễ, thân cây phát triển khỏe, lá dầy, xanh mướt, chống chịu sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng quả tốt, dễ tiêu thụ. Sau khi trồng 3 tháng, cây ớt cho thu hoạch, thời gian thu hoạch ớt kéo dài từ 3 - 4 tháng, năng suất ước đạt từ 8 tạ - 1,2 tấn/sào. Giá bán ớt giao động tùy từng thời điểm, từ 14.000 - 20.000/kg. Trung bình 1 sào trồng ớt đang cho thu lãi khoảng 9-10 triệu đồng.

a3-ruong-lua-duoc-cham-bon-bang-cong-nghe-sinh-hoc..jpg
7 ha lúa ở xã Nam Tân được áp dụng chăm bón bằng công nghệ sinh học trong vụ xuân năm 2024 đang sinh trưởng tốt

Từ hiệu quả của việc áp dụng chăm bón bằng công nghệ sinh học trên cây màu, vụ chiêm xuân năm 2024, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Tân cũng đã triển khai phương thức này trên 7 ha lúa ở 5 thôn trong xã. Bước đầu cho thấy rễ, thân cây lúa phát triển tốt. Hợp tác xã cũng áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi gia cầm, xử lý nguồn chất thải hữu cơ, chất thải trong chăn nuôi làm phân bón vi sinh để chăm bón cho cây trồng. Đây cũng chính là cách làm để hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

NHƯ HUẾ
(0) Bình luận
Tỏi, ớt ở Nam Tân đạt năng suất cao nhờ ứng dụng công nghệ sinh học