Công an các địa phương khởi tố nhiều vụ án, bắt tạm giam hàng chục bị can là lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm để điều tra sai phạm trong đăng kiểm.
33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động
Tính đến ngày 11.1, cả nước có 33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động, phân bố tại 13 tỉnh, thành phố gồm Phú Thọ, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Trong đó, 30 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an, 1 trung tâm đăng kiểm do vấn đề về nhân sự, 1 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, 1 trung tâm đăng kiểm do đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ và 1 trung tâm đăng kiểm do thu hồi đất.
Tại khu vực miền Bắc có 15 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, trong đó Hà Nội nhiều nhất với 11 trung tâm dừng hoạt động. Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, mỗi địa phương có 1 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động.
Khu vực miền Nam có 18 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động, trong đó TP Hồ Chí Minh nhiều nhất với 10 trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa, tỉnh Đồng Nai có 2 trung tâm. Các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, mỗi địa phương có 1 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm nhận tiền chung chi hàng tháng
Liên quan những sai phạm trong quản lý ngành đăng kiểm Việt Nam, tối 11/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tội "Nhận hối lộ". Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phê chuẩn để thực hiện.
Tại buổi họp báo công bố sai phạm của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và các trung tâm đăng kiểm (trạm đăng kiểm) ở TP Hồ Chí Minh, Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh - cho biết, đến nay cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã đủ căn cứ xác định các hành vi vi phạm pháp luật có hệ thống, được chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới, kéo dài trong một thời gian rất dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, trong đội ngũ nhân viên, ban giám đốc, lãnh đạo phòng ban... và đặc biệt là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
"Ngay từ đầu, để thành lập các trạm đăng kiểm, các đối tượng đã chung chi tiền hàng trăm triệu đồng cho các cán bộ phòng ban, lãnh đạo phòng ban cho chỗ Cục trưởng để cấp giấy phép thành lập các trạm đăng kiểm. Hàng tháng, hàng quý các trạm đăng kiểm đều chung chi tiền cho đối tượng Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm", Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng nói và cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra làm rõ các nội dung còn lại trên nguyên tắc và tinh thần tất cả các hành vi vi phạm đều được điều tra xử lý nghiêm theo quy định.
Mới đây nhất, ngày 17.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với ông Trần Kỳ Hình (62 tuổi, ngụ TP Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) để điều tra tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra xác định trong giai đoạn từ 2014 đến tháng 8.2021, ông Trần Kỳ Hình với vai trò là Cục trưởng Cục Đăng kiểm đã trực tiếp hoặc thông qua bị can Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới) nhận tiền hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm dù các trung tâm này chưa đủ các điều kiện theo quy định.
Trong thời gian đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Trần Kỳ Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hàng tháng, quý của các giám đốc trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các trung tâm này trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tại Hòa Bình, ngày 17.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can, trong đó có Trịnh Thành Công (sinh năm 1985, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S) cùng Phó Giám đốc, Trưởng phòng Đăng kiểm, Phó trưởng phòng Kiểm định và 6 đăng kiểm viên.
Kết quả điều tra đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 94 bị can về các tội: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Trong đó có 90 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới; 3 bị can là cán bộ thuộc Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" gồm Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Phạm Đức Ngọc (chuyên viên Phòng kiểm định xe cơ giới).
Cho đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam và 13 trung tâm đăng kiểm bao gồm: 5 trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; 8 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHồ Chí Minh, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.
Theo cáo buộc, sai phạm chủ yếu là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử, xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
Sáng 12.1, tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã quyết định đưa vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Theo VTC