2020 là một năm đầy sóng gió với bức tranh nhân sự nhiều mảng. Câu hỏi được đặt ra là năm 2021 tình hình có khá hơn? Và lao động trẻ cần chuẩn bị những gì để có thể hạn chế tối đa rủi ro nghề nghiệp?
Tham gia nhiều hoạt động cộng đồng thời sinh viên sẽ giúp ích cho việc cải thiện khả năng EQ (trí tuệ cảm xúc), yếu tố quan trọng hàng đầu trong các công việc thời đại mới
Theo bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam thì trái ngược với gam màu ảm đạm của các quý đầu năm 2020, tình hình tuyển dụng lao động trong nước có tín hiệu lạc quan dần.
Ngành phục hồi nhanh, ngành vẫn bị ảnh hưởng
Dẫn khảo sát xu hướng tuyển dụng mới nhất của ManpowerGroup Việt Nam, bà Kim dự đoán nhu cầu tuyển dụng sẽ phục hồi dù bị ảnh hưởng không nhỏ từ COVID-19.
"Chẳng hạn vào những quý cuối năm, 38% doanh nghiệp dự kiến hoạt động tuyển dụng sẽ sớm trở lại. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch nên mọi dự đoán chỉ có thể mang tính tương đối" - bà Kim nhận định.
Cũng theo bà Kim, có năm ngành nghề dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ sớm phục hồi gồm: công nghệ thông tin và truyền thông (18%); bán sỉ, bán lẻ và thương mại (17%); chế biến và sản xuất (14%); dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp (10%); chăm sóc sức khỏe và y tế (9%).
Còn theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search, nhân sự các mảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử... sẽ dần khôi phục vì đây là những mảng thị trường phát triển ổn định.
Song song đó, mảng bảo hiểm nhân thọ sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí cấp cao hoặc tư vấn tài chính do được dự đoán sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.
"Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Âu Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... thăm dò vào thị trường Việt Nam trong mảng sản xuất, cụ thể là điện tử, cơ khí, automotive (ôtô - sản xuất phụ trợ), nhựa...
Bên cạnh đó, mảng sản xuất vẫn có các doanh nghiệp duy trì hoạt động như trước dịch do sản phẩm của họ được tiêu thụ ở nước ngoài" - bà Lan nhận định về các mảng được dự đoán nhân sự sẽ ổn định.
Dẫu vậy, vẫn còn đó những mảng mà lao động các cấp sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, nhân sự các cấp trong các mảng nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, bất động sản, bán lẻ sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, đại dịch làm giảm tiêu dùng của thị trường nên nhân sự (cả phổ thông, cấp trung và cấp cao) các ngành dệt may, da giày sẽ khó tìm được việc làm.
Đồng quan điểm, bà Lan cho rằng nhân sự mảng du lịch khách sạn lữ hành vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021.
Bên cạnh đó, bà Lan lưu ý tác động của COVID-19 đến ngành ngân hàng trễ hơn so với các ngành khác và có thể xuất hiện nợ xấu nên chuyện tuyển dụng ở lĩnh vực này chưa được chắc chắn.
Để tăng lợi thế cạnh tranh
Gợi ý về những kỹ năng cần thiết để lao động trẻ trong nước cần trau dồi, phát triển sự nghiệp bền vững, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc TalentNet chia sẻ:
"Đầu tiên các bạn phải chịu học, kỹ năng này thể hiện sự mày mò tìm kiếm và không ngừng tìm tòi các giải pháp tốt nhất cho những yêu cầu công việc hay thay đổi của môi trường. Kế đến, các bạn cần có tư duy phản biện vì việc sở hữu một bộ óc nhạy bén, biết phán đoán và phản biện liên tục trước những tình huống nằm ngoài kế hoạch giúp bạn chủ động "vượt khó" hơn".
Song song đó, bà Trinh cũng cho rằng lao động trẻ cần sự kiên tâm, khả năng khai vấn (coaching) và tự khai vấn để sống sót trước môi trường làm việc và cuộc sống đầy biến động.
Ngoài ra, theo bà, EQ (trí tuệ cảm xúc) hiện trở thành yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ công việc và hoạt động mang tính tập thể, cộng đồng nào vì ở môi trường càng phát triển và thay đổi nhanh, đa dạng, một cá nhân có EQ cao sẽ có sự thấu cảm và ứng biến linh hoạt hơn với môi trường xung quanh.
Từ đó mang lại hiệu quả kết nối nhanh hơn với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng.
Bà Thu Trang cũng nhấn mạnh: "Khi phỏng vấn, chúng tôi không chỉ dựa vào chỉ số IQ của ứng viên. Chúng tôi đánh giá rất cao các ứng viên có EQ cao, bởi họ thể hiện sự tự tin và thái độ tích cực trong công việc, chủ động dẫn dắt và lèo lái các mối quan hệ công việc thành công".
Còn bà Kim dẫn nghiên cứu mới nhất của ManpowerGroup cho thấy để giữ được công việc mình đang có hay luôn tìm được công việc mong muốn, lao động trẻ phải không ngừng học hỏi những kỹ năng mới, bao gồm những kỹ năng mềm đang được săn đón hiện nay.
Cụ thể như: giao tiếp, phân loại ưu tiên, thích ứng, khả năng đề xuất ý tưởng, tính liêm chính, tư duy phản biện, xây dựng mối quan hệ, năng lực thấu cảm...
Với bà Lan thì "bí kíp" bỏ túi cho các lao động nhắm đến những vị trí quản lý cấp trung hoặc cao là: "Khả năng học nhanh hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn, sáng tạo tốt hơn và khả năng thích nghi cao".
Không biết "khởi động lại" từ đâu? Tôi thất nghiệp cũng được vài tháng và phải chuyển sang làm những việc rất phổ thông như sale mỹ phẩm, quần áo... để ăn phần trăm hoa hồng nhưng cũng không khả quan lắm. Thời điểm cuối năm, các sự kiện phục hồi nhỏ giọt nên các công ty sự kiện không có nhu cầu tuyển dụng mới. Tôi dùng tiền dè sẻn và cố gắng học được thêm càng nhiều kỹ năng càng tốt nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, học những gì? YẾN THI (27 tuổi, từng làm trong mảng tổ chức sự kiện) Hoài nghi bản thân khi không ai tuyển dụng Dẫu biết là COVID-19 khiến tình hình tuyển dụng bị ảnh hưởng, nhưng sau gần nửa năm thất nghiệp tôi cảm thấy vô cùng hoang mang vì mỗi buổi sáng thức dậy không biết phải làm gì. Tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc học ngoại ngữ và chỉ biết cầu mong tình hình sẽ dần sáng sủa hơn để không phải nơm nớp lo sợ sớm hết tiền dự trữ như hiện tại nữa. NGỌC ANH (25 tuổi, cựu sinh viên Trường Đại học HUFLIT) |
Theo Tuổi trẻ