Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong gần 40 năm

11/12/2021 08:11

Dữ liệu của Bộ Lao động nước này công bố ngày 10.12 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 tăng tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982.


Người dân mua sắm tại một chợ tại Chicago, Illinois, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

So với tháng 10, CPI của Mỹ tăng 0,8% do giá cả một loạt mặt hàng tăng mạnh khi kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Cụ thể, giá xăng tại Mỹ tăng 6,1%, giá thực phẩm tăng 0,7%, giá thuê nhà tăng 0,5% và giá mua ô tô cũ tăng 2,5%. Giá hàng hóa tăng một phần do các nhà bán lẻ, các kho hàng, nhà cung cấp và các công ty vận chuyển chạy đua nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm.

Cũng theo số liệu, mặc dù tốc độ tăng CPI của Mỹ trong tháng 11 đã chậm lại so với tháng 10 nhưng vẫn trên dự báo của các nhà phân tích. Trước đó, các nhà phân tích dự báo CPI trong tháng 11 của Mỹ chỉ tăng 0,7% so với tháng 10 và 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc chỉ số CPI tăng mạnh đang tạo áp lực đáng kể lên các hộ gia đình Mỹ, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm cho dịp lễ Giáng sinh và Năm mới đang đến gần. Điều này cũng sẽ gây sức ép lên Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 thông qua việc triển khai dự luật cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD ký hồi tháng 3. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Biden, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và người dân Mỹ vẫn có nhiều tiền trong túi hơn so với một năm trước đây ngay cả khi đã tính đến việc giá tăng.

Mặc dù vậy, giá cả tăng mạnh có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải tăng tốc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu vốn được triển khai kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Dự kiến, Ủy ban hoạch định chính sách của FED sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp tại Washington vào tuần tới. Ngoài ra, FED có thể cũng sẽ xem xét khả năng đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất cơ bản vì lo ngại hàng hóa tăng giá sẽ khiến tiền lương tăng mạnh và đẩy lạm phát tiếp tục tăng lên.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, mỗi tháng FED đều mua vào ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, đồng thời cắt giảm lãi suất cơ bản về mức 0 - 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên từ tháng trước, FED bắt đầu giảm quy mô chương trình này với lộ trình dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 6 năm sau.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong gần 40 năm