Châu Á-Thái Bình Dương loay hoay tìm lối thoát trước làn sóng Covid-19 mới

18/06/2021 14:00

Sự xuất hiện những biến thể nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 kết hợp với tâm lý chủ quan đã dẫn đến sự bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Australia, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là những quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương từng được ca ngợi về khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19, thậm chí còn được xếp hạng top đầu thế giới.

Người dân Nhật Bản kêu gọi hủy Thế vận hội Olympic do lo ngại dịch Covid-19. Ảnh: BBC
Người dân Nhật Bản kêu gọi hủy Thế vận hội Olympic do lo ngại dịch Covid-19

Những nước này đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vào năm 2020 nhờ thực hiện một loạt biện pháp như phong tỏa, giãn cách xã hội, truy vết tiếp xúc, liên lạc  và kinh nghiệm của họ đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Tuy nhiên, trong năm thứ 2 của đại dịch, họ đang phải đối mặt với những thách thức mới. Các biến thể mạnh hơn đã phá vỡ hệ thống phòng thủ vững chắc, gây ra nhiều đợt bùng phát mới vô cùng nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều khu vực khác trên thế giới lại đang đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng và dần mở cửa trở lại.

Thách thức của làn sóng Covid-19 mới

Sự xuất hiện những biến thể nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 kết hợp với tâm lý chủ quan và việc nới lỏng các quy định phòng chống dịch kể từ tháng 5/2021 đã dẫn đến sự bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở những quốc gia nói trên.

Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc lên đến những mức đỉnh mới. Còn Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh nước này chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Olympic. Các chuyên gia cố vấn cho chính phủ Nhật Bản về dịch bệnh Covid-19 cho rằng tình trạng khẩn cấp có thể được ban hành trở lại trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Trong khi đó, Singapore, Australia và đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) cũng ghi nhận các đợt bùng phát nhỏ hơn, khiến nhà chức trách phải ngay lập tức thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát. Australia đã phong tỏa thành phố Melbourne trong hai tuần, còn Singapore đã phong tỏa một phần trong 4 tuần.

Tụt hậu trong chiến dịch tiêm phòng vaccine

Dù các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương nói trên đang từng bước kiểm soát được các làn sóng mới, nhưng họ vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, những nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch như Mỹ, Italy đã đi trước một bước trong chương trình tiêm chủng và đang tiến tới việc đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Mỹ và châu Âu đã tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho hơn một nửa dân số. Nhiều nước Nam Mỹ cũng đã tiêm phòng cho người dân hàng triệu liều vaccine. Những khu vực này đang gần đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, cho phép họ mở cửa trở lại nền kinh tế, ngay cả khi dịch bệnh chưa chấm dứt.

Thế nhưng, điều tương tự lại không xảy ra tại những quốc gia từng chống dịch thành công ở châu Á-Thái Bình Dương. Số lượng người được tiêm chủng trong khu vực vẫn chưa đến 1/4 dân số. Dù với tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng của mình, Australia, Nhật Bản và New Zeland được cho là tiếp cận vaccine dễ dàng hơn so với nhiều nước khác.

Ngoài ra, tâm lý hoài nghi hiệu quả vaccine và sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan y tế ở một số bộ phận dân số cũng đang làm chậm tiến độ chủng ngừa vaccine tại châu Á-Thái Bình Dương.

Singapore có thể coi là một ngoại lệ khi 42% dân số của nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Tuy vậy, với quy mô dân số hơn 5 triệu người, đây vẫn là con số khá khiêm tốn tại quốc đảo Sư tử này.

Chiến lược tìm lối thoát

Theo các chuyên gia y tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp hơn, lối thoát duy nhất cho các quốc gia là tiêm chủng. Cho đến khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa và giãn cách xã hội vẫn rất cần thiết.

Australia cho biết sẽ duy trì đóng cửa biên giới cho đến giữa năm 2022. Nhưng quyết định đó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc nước này có thể duy trì tình trạng khép kín trong bao lâu. Nhiều ý kiến cho rằng, Australia có thể vừa thực hiện biện pháp kiểm soát dịch bệnh lại vừa thận trọng mở cửa theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, việc hình thành “bong bóng du lịch” giữa các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh cũng được nói đến trong các cuộc thảo luận. “Bong bóng du lịch”, còn được gọi là hành lang du lịch, là một thỏa thuận độc quyền giữa các quốc gia hoặc khu vực khá thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 trong nước. Nhờ thỏa thuận này, người dân có thể đi lại tự do giữa các nước mà vẫn không phải cách ly khi nhập cảnh. Vào tháng 4 vừa qua, Australia và New Zealand đã chính thức mở “bong bóng du lịch”. Tuy vậy, cả hai quốc gia đã đóng lại kênh hợp tác này khi xuất hiện một loạt ổ dịch mới. Đặc khu hành chính Hong Kong và Singapore cũng đã xem xét ý định hình thành “bong bóng du lịch” trước khi làn sóng Covid-19 mới bùng phát.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài, vì vậy người dân trên thế giới cần phải loại bỏ tâm lý “zero Covid-19” và chấp nhận “sống chung với lũ”. Tuy vậy, một chiến lược kiểm soát dịch bệnh theo từng giai đoạn kết hợp với đẩy nhanh chương trình tiêm chủng sẽ giúp các quốc gia sớm mở cửa trở lại.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á-Thái Bình Dương loay hoay tìm lối thoát trước làn sóng Covid-19 mới