Một số nghệ sĩ, nghệ nhân trong tỉnh đã học hỏi, lấy cảm hứng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật của mình từ nét đẹp của dòng tranh dân gian Đông Hồ...
Nghệ nhân Hạ Bá Định sử dụng thủ pháp dân gian để vẽ gốm
Say mê nét văn hóa cổ
Trong gia tài tác phẩm, tài liệu về hội họa, nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh còn hơn 30 bức tranh dân gian Đông Hồ. Từ khoảng năm 1997 đến nay, cứ vài năm anh lại đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ở làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) để tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa, tham gia vào quy trình sản xuất dòng tranh tinh túy này. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam năm nay gần 80 tuổi, là một trong những "báu vật sống" còn lại của làng tranh dân gian Đông Hồ. "Mỗi lần đến Đông Hồ, tôi được đắm chìm vào màu sắc, không gian Tết xưa. Vì vậy tôi thường giới thiệu và cùng bạn bè, học viên của các lớp bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật, học sinh của trường nơi tôi đang dạy học đi thực tế tại đây để dung dưỡng niềm say mê với văn hóa cổ truyền", anh Quân cho biết.
Trong số những bức tranh Đông Hồ của anh Quân có rất nhiều bức do chính tay anh thực hiện. Tranh Đông Hồ không phải tranh vẽ mà là tranh in bằng tay với các bản khắc. Mỗi bản khắc một màu được in chồng lên nhau để tạo nên màu sắc tổng thể của cả bức tranh. Màu đen được lấy từ than rơm, than lá tre, màu vàng từ hạt dành dành, màu xanh từ lá khoai, màu nền trắng óng ánh là giấy dó phết lên một lớp điệp (từ vỏ con điệp nghiền ra hòa với hồ). Với những bản khắc và các màu sắc đã được nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam chuẩn bị từ trước, anh Quân cùng nhiều người khác đã học cách dập màu, in bản khắc lên giấy, đợi màu khô thì tiếp tục in chồng màu khác lên để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh.
Từ những lần đi thực tế này, anh Quân cùng với nhiều đồng nghiệp khác đã tìm được cảm hứng để sáng tác những tác phẩm hội họa, nghệ thuật mang hơi thở dân gian, đặc biệt là tranh dân gian Đông Hồ. "Tôi thường vẽ tranh sơn mài, màu sắc trong loại tranh này có nét tương đồng với tranh dân gian vì nguồn gốc màu sắc đều là những màu tự nhiên. Vì vậy, phần lớn tác phẩm của tôi có màu sắc tươi sáng, như các bức "Nhà máy xi măng Hoàng Thạch", "Xuống chợ", "Vào ca", "Công trường mới". Đặc biệt, tác phẩm "Vũ điệu Tây Nguyên 1" đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn giai đoạn 2011-2015 và "Thuyền trên bến Phú Lương" đoạt giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn giai đoạn 2006-2010".
Nâng bước nghệ thuật đương đại
Đến nay, nghệ nhân gốm Hạ Bá Định ở phường Thanh Bình (TPHải Dương) còn giữ hơn chục bức tranh dân gian Đông Hồ. Ông hiện là nghệ nhân sáng tác mẫu, dạy vẽ mẫu của Công ty CP Gốm sứ Chu Đậu Hải Dương.
Để phục vụ sáng tác mẫu, ông đã tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu dân gian từ cách đây hàng chục năm. Không có thời gian đến tận làng Đông Hồ để mua tranh, ông đã mua tem in những bức tranh dân gian tại bưu điện, bảo tàng để làm tư liệu sáng tác. Những năm 1999, 2000, Trung tâm Triển lãm tỉnh tổ chức triển lãm tranh Đông Hồ, ông đã xin phép được đến scan lại các bức này. Đến khoảng năm 2013, 2014, ông mới có cơ hội đến làng Đông Hồ để tìm hiểu và mua một số bức thuộc dòng tranh độc đáo này. "Tranh Đông Hồ có chủ đề gắn liền với đời sống, thủ pháp dân gian khác hẳn lối vẽ cầu kỳ, tỉ mỉ chi tiết của người Trung Quốc. Vì vậy, khi tôi áp dụng thủ pháp dân gian vào vẽ gốm, tác phẩm được nhiều người đón nhận", ông Định chia sẻ.
Theo ông Định, tranh dân gian được sản xuất và tiêu thụ chủ yếu vào dịp Tết nên chủ đề rất phong phú, từ tranh phong cảnh, thực tế cuộc sống như tứ cảnh (xuân, hạ, thu, đông), tứ linh (long, ly, quy, phụng), cá chép trông trăng, hứng dừa, cưỡi trâu thổi sáo, đấu vật... Vì vậy, các bức tranh dân gian đã được ông Định coi là những tư liệu quý để sáng tác trên gốm với nhiều chủ đề.
Không chỉ là nguồn cảm hứng chính về chủ đề, thủ pháp dân gian cũng được ông Định tích cực khai thác và sử dụng. Theo ông Định, lối vẽ dân gian Việt Nam mang tính ước lệ cao, lược giản những chi tiết không cần thiết, chú trọng khoảng trống, tạo cho người xem cảm giác giàu nhạc tính. Lối vẽ này không chỉ được sử dụng trong tranh dân gian mà còn được nhiều nghệ nhân sử dụng để trang trí các tác phẩm gốm sứ.
Ứng dụng nghệ thuật dân gian trong vẽ gốm, nghệ nhân Hạ Bá Định đã tạo ra những sản phẩm được đông đảo khách hàng đón nhận. Những tác phẩm gốm do chính tay ông vẽ được nhiều người đến tận xưởng sản xuất của Công ty CP Gốm sứ Chu Đậu Hải Dương để đặt hàng.
Không chỉ giữ gìn nét tinh hoa văn hóa cổ truyền, bằng lao động nghệ thuật miệt mài, những họa sĩ, nghệ nhân như anh Nguyễn Tiến Quân, ông Hạ Bá Định đã chắp cánh cho nghệ thuật dân gian hòa nhập với dòng chảy chung của nghệ thuật đương đại, tạo ra những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
VIỆT QUỲNH