Sự thiếu vắng các tiền đạo Việt Nam trên bục nhận Quả bóng vàng 2019 cho thấy lo lắng của HLV Park Hang-seo là không thừa.
Lê Huỳnh Đức là người được lựa chọn để xướng tên người đoạt Quả bóng vàng. Ông là tiền đạo lừng danh của bóng đá Việt, chủ nhân Quả bóng vàng đầu tiên. Trong tấm phiếu kết quả, Huỳnh Đức biết cái tên thắng cuộc ông đọc sẽ không phải một chân sút hậu bối.
Lễ trao giải đêm 26.5, có 3 tiền đạo được xướng tên. Đó là Pape Omar, tiền đạo ngoại, cùng Huỳnh Như và Nguyễn Thị Tuyết Ngân, hai chân sút của bóng đá nữ. Bóng đá nam không có đại diện nào.
Tiền đạo duy nhất hiện diện trên bục Quả bóng vàng 2019 là một chân sút đã giải nghệ hơn 15 năm trước. Ảnh: Thuận Thắng |
Tiền đạo nam duy nhất trong danh sách bầu chọn là Nguyễn Văn Quyết không góp mặt ở sự kiện. Văn Quyết có mặt trong top 5, nhưng không có khả năng thắng cuộc. Giới chuyên môn đã nhận định cuộc đua chỉ thuộc về Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Quang Hải. Văn Quyết có mùa giải nổi bật ở CLB Hà Nội với 9 bàn, 7 kiến tạo (V.League), nhưng không được gọi lên tuyển.
Không phải đến khi Cristiano Ronaldo vượt qua Lionel Messi để nhận Quả bóng vàng 2016 nhờ chức vô địch EURO, người ta mới ý thức được thành tích trong màu áo đội tuyển quốc gia quan trọng ra sao. Ở Việt Nam, vai trò của đội tuyển còn lớn hơn, tác động thị giác mạnh mẽ hơn so với V.League. Bị gạch tên khỏi tuyển, đồng nghĩa vắng mặt khỏi những khoảnh khắc xúc cảm mà khán giả còn nhớ rất lâu, Văn Quyết không có cơ thắng.
Anh xếp sau cả Nguyễn Trọng Hoàng, cầu thủ chỉ ra sân từ giai đoạn hai, chỉ vì Hoàng “bò” đá SEA Games và giành HCV, điều Văn Quyết vĩnh viễn không làm được
Tương tự, sự xuất hiện của tiền đạo Trần Danh Trung ở hạng mục bình chọn Cầu thủ trẻ của năm cũng chỉ để “đủ mâm đủ chỗ”. Danh Trung không có cửa nếu so với Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Toản hay Văn Hậu.
Anh Đức là tiền đạo gần nhất đoạt Quả bóng vàng Việt Nam. 11 năm qua, chỉ một chân sút được vinh danh, trái với giai đoạn hoàng kim 2002-2007 khi 5/6 Quả bóng vàng thuộc về tiền đạo. Ảnh: Minh Chiến |
Một nghịch lý là nhiều chân sút đá hay ở CLB, nhưng không được HLV Park Hang-seo đoái hoài. Trần Minh Vương vẫn chưa thấy ngày trở lại đội tuyển, dù anh cùng Nguyễn Văn Toàn hợp thành song sát đáng sợ ở HAGL, còn viễn cảnh khoác áo cờ đỏ sao vàng vẫn là giấc mơ của Hoàng Vũ Samson. Minh Vương cùng Samson ghi tổng cộng 25 bàn, gấp ba lần hai chân sút ông Park cưng chiều ở tuyển là Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Công Phượng.
Tiền đạo giỏi ở CLB không được gọi lên tuyển, còn tiền đạo tuyển lại “mất hút” ở CLB. Nguyễn Tiến Linh chưa ghi bàn nào tại Bình Dương mùa này, Công Phượng thất bại ở Sint-Truidense và đang phải làm lại từ đầu tại TP Hồ Chí Minh. Hà Minh Tuấn chưa có gì nổi bật ngoài biệt danh “tiểu Huỳnh Đức”. Hà Đức Chinh bị quở trách với tần suất đều đặn hơn số bàn thắng.
Với thống kê như vậy, thật khó để tìm một tiền đạo vẹn toàn ở cả tuyển Việt Nam và CLB, giống những tiền vệ như Hùng Dũng, Quang Hải hay hậu vệ như Văn Hậu, Trọng Hoàng. Nhìn rộng ra, Nguyễn Anh Đức cũng là tiền đạo duy nhất trong 5 năm qua được trao Quả bóng vàng. Từ sau cú đúp danh hiệu cao quý của Lê Công Vinh (2006, 2007), tiền đạo Việt Nam chỉ một lần được vinh danh trong 11 lễ trao giải.
Con số này đối lập với giai đoạn 2002-2007, khi 5 trên tổng số 6 Quả bóng vàng thuộc về các tiền đạo (Công Vinh, Huỳnh Đức, Phạm Văn Quyến). Từ khi giải thưởng Quả bóng vàng được trao vào năm 1995, mỗi giai đoạn 5 năm luôn có từ 2 đến 3 tiền đạo nhận danh hiệu này.
Các đội V.League đều chuộng tiền đạo ngoại. Có một chân sút quốc tế đẳng cấp cao trong đội hình, CLB sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Ảnh: Minh Chiến |
Trước lễ trao giải, HLV Park Hang-seo bông đùa khi hỏi Quang Hải liệu có thể nhường Quả bóng vàng cho người khác. Tuy nhiên, có một chữ “nhường” khác, ông Park chắc chắn muốn thành sự thật, đó là các CLB sẽ nhường những suất tiền đạo cho cầu thủ nội, thay vì cài cắm hy vọng vào các ngoại binh.
HLV Park Hang-seo không phải người đầu tiên, cũng sẽ không phải người cuối cùng nói điều này. Ở V.League, 4 ứng viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch là CLB Hà Nội, CLB TP Hồ Chí Minh, CLB Viettel và Quảng Ninh đều dùng tiền đạo ngoại đá cắm. Trong đó, Hà Nội hay Quảng Ninh còn dùng 2 chân sút ngoại.
Khi Rimario Gordon chấn thương, Hà Nội lập tức vá bằng một tiền đạo quốc tế khác là Papa Ibou Kebe. HAGL cũng trông đợi vào Chevaughn Walsh, dù sở hữu những chân sút nội hay nhất V.League.
Việc dùng tiền đạo ngoại là xu thế của hầu hết đội V.League. Sự phụ thuộc lớn đến mức CLB Sài Gòn hay CLB Hải Phòng bị loại khỏi cúp quốc gia bởi các đội hạng dưới khi không được dùng những “ông Tây” trên hàng công, dẫu cả hai đang bất bại, đứng ở nhóm đầu V.League.
HLV Park Hang-seo không thể trông đợi vào thay đổi từ cá biệt một, hai đội bóng. Nhìn một mình Đỗ Merlo cày xới hàng thủ HAGL, người hâm mộ sẽ thấy tiền đạo ngoại hoặc nhập tịch mang lại hiệu quả lớn ra sao. Đặt niềm tin vào tiền đạo nội không khác gì tự vứt bỏ lợi thế cạnh tranh. Muốn có thành tích tốt, cách nhanh nhất là dùng tiền đạo ngoại.
Các chân sút ông Park tin tưởng như Công Phượng, Minh Tuấn đều chưa chứng tỏ được nhiều. Sau giai đoạn đầu thăng hoa, Công Phượng đang chững lại ở V.League. Ảnh: Minh Chiến |
Lựa chọn của các CLB đẩy những tiền đạo Việt khỏi vị trí cao nhất. Họ buộc phải nương bóng ngoại binh để tỏa sáng. Văn Quyết đã làm rất tốt. Ở SLNA, Phan Văn Đức cũng phối hợp tốt với Olaha, còn Minh Vương, Văn Toàn hưởng lợi không nhỏ từ khoảng trống tiền đạo ngoại tạo ra.
Hình thức cộng sinh này giúp cầu thủ nội không bị lép vế, nhưng lên tuyển quốc gia, đâu có tiền đạo ngoại che chắn, làm tường để tạo khoảng trống cho họ?
Tiến Linh là tiền đạo nội hay nhất hiện tại, nhưng từng bị HLV Park Hang-seo gọi riêng ra đường biên để giáo huấn về cách chạy chỗ, thoát người trong trận gặp Indonesia. Mạc Hồng Quân, chân sút có phong độ cao ở Quảng Ninh, cũng khiến ông Park không vừa lòng sau trận đá tập. Còn Nguyễn Việt Phong, cầu thủ được coi là “cơn gió lạ”, chỉ để lại tràng cười với những pha xử lý vụng về trên sân.
Vì thế, HLV Park Hang-seo lại lo lắng. Ông từng thân chinh sang Na Uy theo dõi Alexander Đặng - minh chứng cho thấy HLV Park cần tiền đạo giỏi đến mức nào, dù có khi anh ta không biết tiếng Việt.
Khó khăn đến độ HLV Park Hang-seo phải nêu vấn đề thiếu tiền đạo giỏi đến Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ông Park mong chờ điều gì? Có khi phải tính đến việc kêu gọi các CLB V.League sử dụng tiền đạo nội nhiều hơn.
Theo Zingnews