Làng quê vẫn còn đây, những tên đất tên người vẫn vọng về trong dư địa chí mà hương vị ngọt chua tuổi thơ đã mịt mờ trong cõi xa xăm.
Tuổi thơ tôi ngọt lịm hương vị vườn quê. Bao nhiêu loại quả chín vàng, rụng đầy trong nỗi nhớ. Mùa nào thức nấy, vườn quê không ngớt ríu rít tiếng chim và râm ran tiếng lũ trẻ đang rình hái trộm. Vườn quê, có những quả ăn được nhưng cũng có những loài chỉ làm đồ chơi cho con trẻ. Có loại mang lại giá trị kinh tế nên được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận nhưng cũng có nhiều loài chỉ như món quà ăn vặt mọc tự nhiên, hoang dại khắp nơi. Quả chay lững lờ giữa những điều đó.
Cuối xuân, chay ra hoa. Những bông hoa li ti mọc đơn độc dưới nách lá. Chớm hè bắt đầu đậu quả và vào khoảng tháng bảy âm lịch là chay bắt đầu chín đồng loạt. Nhưng bọn trẻ nào chờ đợi được lâu thế. Khi quả chay đã hơi phồng vỏ, dù đang xanh cũng đã được hái xuống chấm muối ớt. Chay xanh chua lét, vừa ăn vừa nhăn mặt mà vẫn đầy thích thú, đứa nào không ăn chua được đứng nhìn lũ bạn ăn mà nhỏ nước dãi thèm thuồng.
Chay chín mềm xụn, bẻ đôi ra bên trong ruột màu phơn phớt hồng rất thích mắt. Chay chín có vị chua chua lẫn ngọt thanh, giúp cơ thể giải nhiệt mùa hè. Quả chay không chỉ là món quà yêu thích của bọn trẻ mà người lớn cũng rất ham. Chay chín rất nhanh, đồng loạt, không kịp hái là vài hôm đã rụng đầy gốc. Người ta ăn chay sống hoặc dùng để nấu canh chua, để kho cá đồng. Sau này lớn lên tôi mới biết, chay còn là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền...
Ngoài lấy quả, cây chay còn có một công dụng rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của làng quê với tục ăn trầu của các bà, các mẹ. Ăn một miếng trầu phải có đủ bốn loại nguyên liệu mới ngon: vị ngọt của cau, vị cay của trầu, vị đắng của rễ chay (hoặc vỏ chay) và vị nồng của vôi. Sự hòa quyện của các vị ấy mới tạo nên chất kích thích để làm cho thơm miệng, đỏ môi, chắc răng và mới thành lễ nghi của đầu câu chuyện.
Cuộc sống hiện đại, làng quê đổi mới, đất chật người đông, mưu sinh cơm áo đã kéo trôi đi những ký ức đẹp ngày xưa dần đi vào quên lãng. Ngồi lục tìm lại chợt thảng thốt thấy cả làng mình giờ chẳng còn lấy một cây chay nào...
Làng quê vẫn còn đây, những tên đất tên người vẫn vọng về trong dư địa chí mà hương vị ngọt chua tuổi thơ đã mịt mờ trong cõi xa xăm. Nghe chị kể, nhờ chị nhắc mà ta mới chợt nhớ và rưng rưng tiếc nuối về những điều đã qua, những gì đọng lại với thời gian. Thương nhớ vị chua ngọt của quả chay, của tuổi thơ, ta lại mủi lòng rưng rưng nhớ lời ru của bà, của mẹ năm nào: “Trầu xanh, cau trắng, chay vàng/ Cơi trầu bịt bạc thiếp chàng ăn chung/ Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”.
ĐINH HẠ