Mùa hè trong mắt trẻ thơ bao giờ cũng hồn nhiên, nhí nhảnh. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã cảm nhận điều ấy qua cái nhìn của các bạn nhỏ nên tất cả hiện lên thật ngây thơ, tươi sáng.
Xôn xao mùa hè (Trích) Mùa hè chui vào quả mít Mùa hè trèo lên cây phượng Mùa hè vẫn thường dậy sớm Mùa hè ngồi bên lũ trẻ NGUYỄN HỮU QUÝ |
Mùa hè trong mắt trẻ thơ bao giờ cũng hồn nhiên, nhí nhảnh. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã cảm nhận điều ấy qua cái nhìn của các bạn nhỏ nên tất cả hiện lên thật ngây thơ, tươi sáng. Như cánh diều no gió say ngắm cảnh sắc thiên nhiên và các hoạt động mùa hè, tác giả đã trải lòng mình bay cao cùng tâm hồn lũ trẻ. Từ đó, tác phẩm khơi gợi tình yêu thiên nhiên, đất nước, giúp các em biết tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi êm đềm, bổ ích để tiếp tục học tập và rèn luyện khi bước vào năm học mới.
Bài thơ có tên "Xôn xao mùa hè", một cái tên rất thi vị và trong trẻo. Bởi lẽ, qua cái nhìn của các bạn nhỏ, mùa hè hiện lên thật rộn ràng, xao động, tràn đầy âm thanh và màu sắc. Đặc biệt là các âm thanh của tiếng chim, tiếng ve, tiếng sáo như dàn đồng ca náo nức khi hè về. Tất cả đã làm nên một bức tranh vô cùng rộn rã và đong đầy cảm xúc.
Lần đọc xuyên suốt bài thơ "Xôn xao mùa hè", tác giả Nguyễn Hữu Quý nhắc đến rất nhiều sự vật, nhờ đó đã làm nên một bức tranh ngày hè phong phú, sống động. Mỗi sự vật có đặc điểm riêng, được miêu tả bằng những từ ngữ, hình ảnh đặc sắc. Đó là quả mít có múi mật vàng ong như thể mùa hè rực rỡ vừa mới “chui vào”. Mặt trời đỏ chót trên cao như cũng đang “chăn đàn dưa hấu bên sông”. Màu hoa phượng rực đỏ trên cành cứ ngỡ có hàng ngàn hoa đèn giăng mắc. Từ những mặt ruộng, từng nhành lúa trổ bông đang dậy mùi hương thơm ngát. Sôi động và âm vang nhất vẫn là tiếng chim đang “luyện thanh” cùng với mùa hè và tiếng ve ẩn hiện như thể chơi trò trốn tìm đâu đó. Cuối cùng là hình ảnh cánh diều bay lên cùng tiếng sáo vi vu giữa đất trời cao rộng hòa với tâm hồn thơ ngây của lũ trẻ xôn xao.
Trong bốn khổ thơ thì khổ thứ ba là ấn tượng và xao động nhất, nó là bản hòa ca của mùa hè náo nức. So với các mùa trong năm, ngày của mùa hè thường dài hơn, vậy nên ông mặt trời cũng “dậy sớm”. Mùa hè thức giấc, chim chóc ríu rít tưng bừng như thể đang cùng “luyện thanh”. Thêm nữa, các bạn nhỏ được nghỉ ngơi và vui chơi trốn tìm nên có khác gì tiếng ve ngoài kia ẩn hiện gọi mùa hè về xao động: "Mùa hè vẫn thường dậy sớm/Luyện thanh cùng với bầy chim/Mùa hè chơi trò tìm trốn/Tiếng ve ẩn hiện gọi mình".
Về phương diện nghệ thuật, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã rất tài tình trong nghệ thuật miêu tả bức tranh mùa hè vui nhộn, sống động. Đọc toàn bộ bài thơ, ta bắt gặp rất nhiều động từ như “chui”, “chăn”, “trèo”, “bay”, “dậy”, “luyện”, “chơi”, “gọi”… đã nhân hóa hình ảnh mùa hè như thể một bạn nhỏ rất tinh nghịch, năng động. Cùng với đó, các màu sắc “vàng ong”, “đỏ chót” càng làm cho khung cảnh mùa hè thêm rực rỡ, bắt mắt. Nhờ vậy, bài thơ "Xôn xao mùa hè" dễ đi vào tâm hồn tuổi thơ các em, vì lẽ các âm thanh và sắc màu ngập tràn, rung ngân bằng một cảm xúc chân thành, tha thiết.
"Xôn xao mùa hè" là một tác phẩm thơ thiếu nhi đặc sắc của tác giả Nguyễn Hữu Quý. Không chỉ có cái xôn xao của mùa hè rực rỡ với những âm thanh sống động, chúng ta còn nghe cả sự xôn xao của tâm hồn tuổi nhỏ tinh nghịch, hồn nhiên. Lắng sâu hơn, người đọc bắt gặp ở đây một chút luyến thương, tiếc nuối của nhà thơ về khoảng trời tuổi hoa tuổi mộng, khát khao lại được một lần bay lên cùng cánh diều mơ ước tuổi thơ.
LÊ THÀNH VĂN