Tài chính - Ngân hàng

Thuế thu nhập cá nhân thành gánh nặng

TRANG LÂM 27/04/2024 09:00

Được tiếng là phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng nhiều người nộp thuế ở Hải Dương vẫn phải "thắt lưng buộc bụng" để lo đủ chi tiêu cho gia đình.

dicho-2.jpg
Giá thực phẩm tăng làm chi phí cho các nhu cầu thiết yếu tăng cao

Bất hợp lý trong cách tính

Chị Bùi Thị Kim Phượng ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vừa quyết toán thuế năm 2023 xong. Chị làm việc ở đơn vị sự nghiệp có thu, thu nhập mấy năm qua liên tục sụt giảm tới 8-10%/năm. So với năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng thu nhập năm 2023 của chị Phượng giảm gần 30%.

Tuy thu nhập giảm nhưng số thuế thu nhập cá nhân chị phải nộp lại tăng do có khoản thu nhập vãng lai đã được khấu trừ thuế 10%. Trong khi thu nhập giảm thì các khoản chi như học hành của hai con, sinh hoạt trong gia đình đều tăng lên. “Học phí đại học hệ chính quy trường công lập của con lớn nhà tôi đã 4,2 triệu đồng/tháng rồi nên mức giảm trừ cho người phụ thuộc chỉ 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp, không đủ chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu ăn ở, đi lại, học hành”, chị Phượng dẫn chứng.

Anh Nguyễn Văn N., Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ kế toán phân tích: Bất hợp lý khi thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương cao nhất đến 35%, cao hơn cả thuế thu nhập doanh nghiệp (chỉ 20%). Trong khi doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ mọi chi phí đi lại, mua sắm công cụ làm việc, sau đó có lãi mới tính thuế 20%, thì người lao động dù thu nhập có bao nhiêu cũng chỉ được khấu trừ 11 triệu đồng/tháng, mà mức này lại không đủ trang trải cho những chi phí cơ bản của cuộc sống hiện tại. Những chi phí thuê nhà, mua xe, quần áo, lãi suất ngân hàng… của người làm công ăn lương không được đưa vào chi phí khấu trừ. “Người làm công ăn lương chỉ cần có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế 35%. Trong khi đó, người trúng xổ số tiền tỷ từ trên trời rơi xuống, không phải bỏ công sức nhưng chỉ nộp thuế 10%”, anh N. phân tích thêm.

Theo chị Nguyễn Thị Phương, một người chuyên làm dịch vụ kế toán thuế ở thị trấn Tứ Kỳ, việc giảm trừ gia cảnh đang thực hiện “cào bằng” 1 mức trong khi Chính phủ quy định mức lương tối thiểu theo 4 vùng cũng là một điểm bất hợp lý trong tính thuế thu nhập cá nhân.

Nghịch lý cần giải quyết

a-6b85bf2425612d65acf4598746557b83.jpg
Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Mấy năm gần đây, đời sống người dân nảy sinh một số khó khăn mới, nhưng số thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn liên tục tăng. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ Cục Thuế tỉnh Hải Dương, năm 2021, tỉnh thu được trên 980 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân thì năm 2022 đã thu được gần 1.052,5 tỷ đồng, tăng gần 7,4% và năm 2023 thu được gần 1.112 tỷ đồng, tăng gần 6%. Thuế thu nhập cá nhân thường xuyên chiếm 8-10% tổng thu thuế nội địa, thường chỉ thấp hơn số thu ngân sách từ các khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài quốc doanh và tiền sử dụng đất.

Riêng quý I/2024, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu được trên 440 tỷ đồng, đạt 43% dự toán cả năm và tăng 14% cùng kỳ năm trước năm trước.

Theo chị Huỳnh Thị Quỳnh Thương, Kế toán trưởng của một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành), số thu thuế thu nhập cá nhân trong những năm gần đây đều có đóng góp rất lớn từ những người làm công ăn lương. Do thị trường bất động sản đóng băng khiến cho nguồn thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm.

Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Đã hơn 15 năm thực hiện, nhiều hạn chế và bất cập của sắc thuế này vẫn chưa được giải quyết triệt để dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Hiệu quả của một sắc thuế là phải bảo đảm các tiêu chí về tính đơn giản, dễ thực thi, chi phí tuân thủ thấp, tính công bằng…

Với sắc thuế thu nhập cá nhân thì có đến 7 bậc tăng dần, nhưng mức tiền không giống nhau khiến việc tính toán, thực thi rất khó khăn. Cụ thể, sau khi giảm trừ gia cảnh thì tính thuế 5% cho 5 triệu đồng tăng thêm; 10% cho 5 triệu đồng kế tiếp; 15% cho 8 triệu đồng tiếp theo; 20% cho 14 triệu đồng tiếp theo; 25% cho 20 triệu đồng tiếp theo; 30% cho 28 triệu đồng tiếp theo; cuối cùng là 35% đối với khoản thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng.

z5367900538630_7c8bf0bdef135b1e22c98083574f7ead-17778f3bc0fb8f3cc6af100ea1b3da45.jpg
Qua nhiều lần sửa đổi theo hướng tăng lên nhưng mức giảm trừ gia cảnh đang bị cho là thấp, lạc hậu so với thực tế chi phí cuộc sống

Với quy định mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay, người làm công ăn lương có thu nhập thấp nếu có thêm các khoản tiền thưởng, tiền hoa hồng bị tạm thu thuế 10% thì cuối năm buộc phải quyết toán thuế mới được hoàn thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, thực tế thời gian qua, giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh làm cho đời sống người làm công ăn lương thêm khó khăn. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh lại chậm thay đổi cập nhật. Điều này dẫn đến người chịu thuế thu nhập cá nhân gặp những thiệt thòi… Dự kiến từ ngày 1/7 tới, nước ta sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức cũng như đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, lương hưu. Nếu điều chỉnh tiền lương song hành với sửa đổi thuế thu nhập cá nhân thì sẽ bảo đảm sự liên thông các chính sách. Mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc phải đánh giá lại một cách toàn diện và điều chỉnh ngay trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu. “Thay vì tập trung vào nhóm dễ thu là người làm công ăn lương, cơ quan thuế cần có thêm công cụ, nguồn lực để khai thác những nguồn thu mới như thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới... Nếu có chính sách đột phá thì các nguồn thu mới này có thể bù đắp nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân khi nâng mức giảm trừ gia cảnh", bà Nga đề nghị.

TRANG LÂM
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuế thu nhập cá nhân thành gánh nặng