Góc nhìn

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu

SONG TƯỜNG 26/03/2024 07:00

Câu chuyện có thật của nhiều người đang dần hình thành câu trả lời cho câu hỏi liệu rằng cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện đã lạc hậu?

19cda7a015-605a-4b5e-8a8a-8535c8654640.jpg
Giữa bối cảnh đồng tiền ngày một mất giá, những biến số trong công thức tính thuế thu nhập cá nhân vẫn không thay đổi (ảnh sưu tầm)

- Ôi trời ơi, tháng này bị trừ vài triệu tiền thuế thu nhập cá nhân rồi - một cậu bạn tôi thốt lên khi nhận được thông báo từ ngân hàng về số tiền vừa bị trừ trong tài khoản.

- Kiếm được nhiều tiền thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân là đúng còn gì? Ông phải thấy vui vì được đóng thuế thu nhập cá nhân ấy chứ?- tôi cười.

- Nhưng cách tính thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu.

Và cậu bạn tôi bắt đầu phân tích. Với một gia đình có 2 con nhỏ, thông thường sẽ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho cả bố và mẹ. Nghĩa là mỗi người sẽ có một người phụ thuộc. Theo quy định hiện nay, mức giảm trừ đóng thuế đối với bản thân là 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ đối với một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Cậu bạn tôi nuôi một đứa con nhỏ, đang sống và làm việc tại TP Hải Dương. Tháng nào tổng thu nhập của bạn (sau khi đã trừ tiền đóng bảo hiểm) mà đạt từ 15,4 triệu đồng trở lên thì bạn sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Tổng thu nhập càng tăng, mức thu nhập chịu thuế càng tăng, kéo theo số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp cũng tăng. Vậy mức tính thuế thu nhập cá nhân có vấn đề ở chỗ nào?

Đó là về cả mức giảm trừ bản thân và mức giảm trừ đối với người phụ thuộc. Trước hết, hãy nói về người phụ thuộc. Nếu đó là con bạn, thử tính toán mỗi tháng bạn sẽ dành ra bao nhiêu tiền để lo cho con, từ tiền bỉm, sữa, ăn uống cho đến học phí, học thêm, mua sách vở, chưa kể lúc ốm đau. Với những đứa đang học đại học ở tỉnh, thành phố khác thì số tiền cần cho con còn lớn hơn. 4,4 triệu đồng/tháng ở vùng nông thôn có thể trang trải được, nhưng ở thành thị thì có lẽ nhiều người sẽ cùng chung nhận định “không thể đủ được”.

Nói về mức giảm trừ đối với bản thân 11 triệu đồng/tháng là số tiền được cơ quan thuế xác định bằng mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người. Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, đến năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, đối với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, lương tối thiểu vùng II ở mức 2,1 triệu đồng. Đến năm 2020, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên 4,16 triệu đồng, tức là gấp 2 lần so với năm 2013, song mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân không tăng 2 lần tương ứng, mà chỉ tăng hơn 1,2 lần.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, dù chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tầm kiểm soát, song vẫn tăng qua các năm. Nghĩa là sau mỗi năm, đồng tiền lại mất giá đi một phần nhất định. Vậy nhưng những biến số trong công thức tính thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên, không thay đổi theo thực tế cuộc sống.

Ngoài không đủ lo cuộc sống, ngưỡng thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp còn tước đi cơ hội hưởng chính sách mua nhà ở xã hội của người dân. Theo quy định hiện tại, người dân đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua, thuê nhà ở xã hội. Tôi biết không ít người dù phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn là người có thu nhập thuộc mức thấp ở đô thị. Câu chuyện đóng thuế thu nhập cá nhân đã khiến nhiều người không còn cơ hội tiếp cận với chính sách mua nhà ở xã hội.

Thêm nữa, họ cũng không được vay vốn chính sách ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu vay ngân hàng thương mại, khoản tiền trả lãi hằng tháng, khoản tiền thuế thu nhập cá nhân cùng nhiều khoản sinh hoạt phí khác sẽ tạo áp lực tài chính không nhỏ với mỗi cá nhân. Và với nhiều người, giấc mơ an cư lại thêm rào cản.

Ấy là chưa kể câu chuyện về công bằng, minh bạch trong đóng thuế. Trong khi người làm công ăn lương phải đóng thuế thu nhập cá nhân lũy tiến thì việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân của các YouTuber, TikToker, người bán hàng qua mạng… lại khiến nhiều người cảm thấy mù mờ.

Với những bất cập ấy, thiết nghĩ, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh càng sớm càng tốt. Bởi nếu không, những chuyện kiểu như người lao động “sợ làm thêm vì thuế cao, thu không đủ trừ”, hay “chưa giàu đã lo thuế đè” sẽ xảy ra.

SONG TƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách tính thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu