Kinh tế

Quy định tính thuế thu nhập cá nhân "bỏ quên" nhiều người có thu nhập cao

TN (theo Sức khỏe và Đời sống) 27/03/2024 09:50

Theo chuyên gia, một trong những bất cập của quy định tính thuế thu nhập cá nhân là chưa công bằng, người bán hàng online, ca sĩ, nghệ sĩ... có thu nhập cao đột biến mà chưa được kiểm soát.

Quy định tính thuế thu nhập cá nhân 'bỏ quên' nhiều người có thu nhập cao- Ảnh 2.
Ảnh minh họa

Nhiều ngành nghề chưa bị kiểm soát thuế thu nhập

Trong quá trình thực hiện, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã bộc lộ nhiều bất cập và buộc phải điều chỉnh. Hiện Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Ngoài quy định mức đóng thuế và người phụ thuộc lạc hậu, thuế TNCN còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa đảm bảo sự công bằng với các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế. TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng quy định về thuế TNCN đối với người làm công ăn lương hiện nay chưa hợp lý, nhất là mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lẫn người phụ thuộc là quá thấp, không đủ đảm bảo cho chi tiêu đời sống của nhiều gia đình.

Trong khi đó, các ca sĩ, nghệ sĩ, YouTuber, TikToker có thể dễ dàng lập công ty tư nhân, từ đó khai báo thêm nhiều nhân viên và được khấu hao hết các chi phí hợp lý hợp lệ nhưng thực tế doanh thu cũng đều thuộc về chính bản thân cá nhân đó. Vì vậy tỷ lệ đóng thuế thông qua DN sẽ thấp hơn so với tỷ lệ thuế mà cá nhân người làm công ăn lương phải nộp hằng năm.

Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ có nhiều cách phân bổ chi phí sao cho có lợi nhất trước khi tính thuế nên tỷ lệ thuế càng thấp hơn. Chuyên gia cho rằng, có một thực tế tồn tại bấy lâu là luật Thuế TNCN hiện còn nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của cá nhân nộp thuế.

Cụ thể, đối với người nộp thuế tự do như người môi giới, ca sĩ, diễn viên... cơ quan thuế chưa kiểm soát được tất cả các ngành nghề dẫn đến những thu nhập cao đột biến, trong khi luật hiện tại điều tiết các đối tượng này chưa hiệu quả. Trên thực tế, một số đối tượng có thu nhập cao chưa tự giác kê khai và nộp thuế đúng với quy định dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam đã gây trở ngại cho công tác thu thuế TNCN, dẫn đến khó quản lý.

Theo chuyên gia, để thực hiện chính sách thuế TNCN hài hòa và công bằng giữa các đối tượng nộp thuế thì các cơ quan chức năng làm luật cần nâng mức xử phạt nhằm đủ sức răn đe đối với đối tượng có thu nhập cao nhưng cố tình giấu thu nhập. Đồng thời, thay đổi mức thuế theo biểu lũy tiến giữa các mức sao cho phù hợp với thực tế và hướng dẫn kê khai thuế TNCN đơn giản, dễ hiểu... Đặc biệt, cần có quy định riêng đối với các đối tượng có thu nhập cao đột biến, và khai thác công nghệ mạng vào việc quản lý thuế.

Biểu thuế quá rườm rà

Chuyên gia cao cấp về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú nhìn nhận, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là điều cần thiết do có nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn. Bởi chính sách thuế thu nhập cá nhân đang nắm nhóm người lao động có thu nhập trung bình, chủ yếu làm công ăn lương thì bị kiểm soát và trừ thuế rất chặt chẽ. Còn nhiều đối tượng khác như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… thì hầu như thoát thu thuế. Số thuế thu được từ nhóm có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng không đáng kể so với số thuế bị thất thoát.

Một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Thuế TNCN là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà, gây khó hiểu cho người dân. Theo đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: (1) Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; (2) mức 5-10 triệu đồng 10%; (3) mức 10-18 triệu đồng 15%; (4) mức 18-32 triệu đồng 20%; (5) mức 32-52 triệu đồng 25%; (6) mức 52-80 triệu đồng 30% và (7) từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.

Các chuyên gia cho rằng, việc quy định biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa thực sự hợp lý, dẫn đến nhiều vướng mắc. Theo đó, biểu thuế này nhiều hơn so với các nước trên thế giới, đồng thời mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp.

Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quy định quá nhiều nhóm chịu thuế sẽ làm công tác quản lý phức tạp và tạo "kẽ hở" cho việc trốn thuế…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nên rút gọn biểu thuế 7 bậc hiện nay bởi đang quá dày đặc và gây khó hiểu cho người dân. Ông Thịnh kiến nghị, biểu thuế TNCN còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 - 100 triệu đồng/tháng và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên.

Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%. Đồng thời, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí lên 18-20 triệu đồng/tháng, bởi khi giá cả thị trường đã tăng lên thì mức 11 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp. Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng.

Từ khi ra đời và có hiệu lực, việc thực hiện Luật Thuế TNCN phải điều chỉnh 2 lần mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình thực tế như: Từ ngày 1/1/2009 (thời điểm có hiệu lực), mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.Từ ngày 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

TN (theo Sức khỏe và Đời sống)
(0) Bình luận
Quy định tính thuế thu nhập cá nhân "bỏ quên" nhiều người có thu nhập cao