Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài nội dung thống nhất 80% trong cả nước sẽ có 20% giáo dục địa phương để học sinh tìm hiểu về vùng đất nơi mình đang sinh sống.
Buổi học ngoại khóa tại Bảo tàng Đà Nẵng của học sinh TP Đà Nẵng vào sáng 11.12
Dựa vào quy định này, các tỉnh thành đang biên soạn tài liệu đặc trưng của địa phương để giảng dạy cho học sinh.
Đà Nẵng: tiếp tục dạy về Hoàng Sa
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng cho biết, hiện chương trình giáo dục địa phương đã soạn xong cho lớp 1, đã thẩm định và chuẩn bị in ấn. Theo bà Thuận, chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 đều sẽ có chương trình giáo dục địa phương, trong đó lớp 1 làm trước.
Điều rất đặc biệt là hiện tại ngành giáo dục TP Đà Nẵng đang duy trì dạy học sinh cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng dành cho bậc THCS và THPT. Cuốn sách đã đưa Hoàng Sa vào giảng dạy chính thức.
"Sách Lịch sử Đà Nẵng sẽ được tích hợp các nội dung vào chương trình giáo dục địa phương. Trong đó, đặc biệt quan trọng là nội dung về quần đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục được giảng dạy cho các em học sinh" - bà Thuận khẳng định.
Ngoài ra, các trường phổ thông tại Đà Nẵng hiện đang duy trì các chương trình ngoại khóa, giáo dục lịch sử địa phương thông qua việc đưa học sinh đến tham quan, học tập tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng...
Được biết, năm 2015 Sở GD-ĐT TP Ðà Nẵng đã cho in cuốn sách Lịch sử Ðà Nẵng dành cho học sinh THPT và THCS. Sách đề cập đến lịch sử của quần đảo Hoàng Sa và những sự kiện mới liên quan đến quần đảo này.
Học sinh Trường tiểu học Việt Anh, TP Vinh hào hứng với các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ như trò chơi dân gian, trồng rau
Nghệ An: học tại Khu di tích Kim Liên, Truông Bồn...
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết, đến nay Nghệ An đã xong các bước thẩm định tài liệu, tổ chức tập huấn giáo viên nội dung chương trình giáo dục địa phương với lớp 1.
Theo ông Hoa, giáo dục địa phương sẽ trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường... Việc biên soạn các nội dung liên quan đến địa phương ở Nghệ An cũng sinh động, từ đó tạo hứng thú và tăng tính kết nối cho học sinh từ sách vở đến thực tiễn.
Chẳng hạn, giáo viên kể cho học sinh nghe những câu chuyện gắn liền với di tích các em đã tham gia chăm sóc. Hay một số trường tổ chức các chuyến đi thực tế về nguồn các di tích lịch sử văn hóa như Khu di tích quốc gia Kim Liên, Truông Bồn, nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào...
"Đây là lần đầu thầy cô tham gia soạn tài liệu giảng dạy, học tập chung cho cả tỉnh. Dựa vào tài liệu, giáo viên ở các trường hoàn toàn có thể linh hoạt vận dụng, thay đổi để triển khai hoạt động phù hợp với địa phương hơn" - ông Hoa nói.
Ông Hoa cũng ví dụ thông qua các hoạt động ngoại khóa, các trường có thể linh động tổ chức các buổi nói chuyện theo chủ đề, sinh hoạt "mở" các nội dung văn hóa, nghệ thuật liên quan đến địa phương mình như hát dân ca ví dặm, tìm hiểu nhạc cụ các dân tộc miền tây xứ Nghệ, những nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của ngư dân miền biển...
Một tiết học có phần tích hợp giáo dục địa phương cho học sinh lớp 1 tại Đắk Lắk
Đắk Lắk: âm vang văn hóa cồng chiêng
Ngày 16.12, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết đang tiếp tục biên soạn các nội dung giáo dục địa phương theo khung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Hiệp nói tài liệu giáo dục địa phương giúp học sinh cảm nhận, thấu hiểu về con người, lịch sử hình thành vùng đất đại ngàn, âm vang văn hóa cồng chiêng này...
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Đắk Lắk (thành viên hội đồng biên soạn tài liệu giáo dục địa phương), chia sẻ thêm mục tiêu lớn nhất của giáo dục địa phương là giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa, lịch sử quê hương mình.
Theo bà Thảo, hội đồng biên soạn bám sát thời lượng cho phép để đưa những kiến thức phù hợp, bổ ích cho học sinh. Chẳng hạn, các em phải hiểu quá trình hình thành nên vùng đất gắn với tộc người bản địa Ê Đê và những dân tộc khác di cư đến. Văn hóa cồng chiêng, các phong tục bản địa như lễ hội mừng lúa mới, tại sao người Ê Đê lại có nhà dài như một hơi ngựa chạy... cũng được đưa vào giảng dạy.
Tuy nhiên, ở cấp tiểu học với 105 tiết, hội đồng biên soạn đưa vào chương trình tích hợp, trải nghiệm là chính. Với học sinh cấp này, các em được biết tên các danh nhân, danh thắng của địa phương. Sau đó, giáo viên sẽ đưa các em đến tham quan thực tế để trải nghiệm ở Bảo tàng Đắk Lắk, Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Ở huyện Krông Bông cho thăm căn cứ H4 - nơi Tỉnh ủy Đắk Lắk kháng chiến giành độc lập; ở Ea Súp cho học sinh tham quan Tháp Chàm Yang Prong (còn gọi là Tháp Chàm Rừng Xanh) - tháp chàm duy nhất ở vùng Tây Nguyên...
Cũng theo bà Thảo, ở những cấp học lớn hơn, với khung chương trình giáo dục bắt buộc (35 tiết), học sinh cũng sẽ được dạy về lịch sử, văn hóa, truyền thống nhưng với kiến thức sâu hơn, rộng hơn.
Nếu học sinh tiểu học được dẫn đi thăm vườn cây cà phê để biết nông dân vất vả ra sao thì học sinh phổ thông sẽ được dạy đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, là ngành hàng xuất khẩu lớn của tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên và cả nước...
Hà Giang: tìm hiểu cao nguyên đá Đồng Văn Một đề tài nghiên cứu của nhóm giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang tại Trường tiểu học Minh Khai (TP Hà Giang) khiến nhiều học sinh thích thú. Nội dung giáo dục địa phương được lồng ghép trong các môn lịch sử, địa lý, tiếng Việt nhằm hướng học sinh vào việc tìm hiểu khí hậu, đặc điểm tự nhiên, đặc biệt là tìm hiểu về những sinh vật biển trên cao nguyên đá Đồng Văn. "Với chủ đề những sinh vật biển trên cao nguyên đá Đồng Văn, học sinh được dẫn dắt đến những câu chuyện, lời tâm sự của các sinh vật hóa thạch biển như: bọ ba thùy, trùng thoi, tay cuộn... Các em cũng thực hiện trò chơi đóng vai, ghép tranh các loài sinh vật biển. Nhiều học sinh ngạc nhiên khi cao nguyên đá Đồng Văn lại là nơi để lại nhiều dấu tích của các sinh vật biển hóa thạch. Đó là bảo tàng thiên nhiên hiếm có..." - một giáo viên chia sẻ. Ninh Bình: dạy học sinh về cố đô Hoa Lư Tại Ninh Bình, Sở GD-ĐT là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở ban ngành liên quan thành lập ban biên soạn, hội đồng thẩm định giáo dục địa phương. Di sản thiên nhiên có tiềm năng phát triển du lịch và di tích lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư là một trong những nội dung giáo dục địa phương đặc trưng của Ninh Bình. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Ninh Bình, tài liệu giáo dục địa phương ở những vùng mang đậm văn hóa đồng bằng Bắc Bộ rất đa dạng, bao gồm nội dung giới thiệu giá trị di sản, di tích lịch sử, danh nhân, các làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và làn điệu dân ca... Bắc Ninh: lồng ghép dân ca quan họ Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Ninh, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh này giới thiệu nội dung các lễ hội, làng nghề, làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Trước đó, dân ca quan họ cũng được đưa vào nhiều nhà trường ở Bắc Ninh theo hình thức học ngoại khóa, với mục tiêu mỗi học sinh có thể hát được ít nhất một bài hát dân ca quan họ truyền thống. Học sinh còn được tìm hiểu kiến thức về trang phục hát, cách têm trầu cánh phượng và hát theo lối truyền khẩu, nhịp phách từ bài dễ đến bài khó... TP.HCM: theo đặc trưng 24 quận huyện Một lãnh đạo Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết sở đã biên soạn tài liệu giáo dục địa phương bậc tiểu học, đã trình Bộ GD-ĐT và đang chờ phê duyệt. Với lớp 1, chương trình mới sẽ xây dựng chương trình địa phương tích hợp liên môn với sáu chủ đề: quê hương em, danh nhân lịch sử văn hóa, nghệ thuật và làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương, lịch sử văn hóa và văn hóa ứng xử. "Mỗi chủ đề không có bài cụ thể mà tích hợp vào các môn học trải nghiệm khác. Chẳng hạn khi học về ẩm thực, di tích, văn hóa thì ở mỗi quận/huyện, giáo viên sẽ giới thiệu cho học sinh đặc trưng của quận, huyện đó. Chương trình giáo dục địa phương ở TP là theo đặc trưng 24 quận, huyện chứ không phải toàn thành phố" - vị này nói. |
Theo Tuổi trẻ