Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), chiều 1/12 theo giờ địa phương, tại thành phố Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).
Lễ công bố diễn ra trọng thể với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Bộ trưởng và đại diện cấp cao nhiều nước thành viên IPG gồm Anh, Nhật Bản, Đức, Italia, Canada, Đan Mạch, Phó Chủ tịch Liên minh Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ).
Cùng tham dự còn có Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, thể chế tài chính và quỹ quốc tế như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP)...
Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm; nhấn mạnh Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng trong thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, và gần đây nhất là triển khai dự án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác quốc tế ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên 5 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; nội lực là cơ bản và quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; đề cao hợp tác quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, góp phần bảo đảm tương lai thịnh vượng cho mọi người dân, tăng trưởng kinh tế, tự chủ và an ninh năng lượng của Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh Kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng Kế hoạch huy động nguồn lực là dấu ấn quan trọng trong quá trình triển khai JETP, thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, đồng thời khẳng định EU tự hào trở thành đối tác của Việt Nam trong quá trình này.
Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần bền vững, bảo đảm giá cả phải chăng, góp phần nâng cao đời sống và tạo cơ hội cho mọi người dân.
Quốc vụ khanh của Anh phụ trách năng lượng nhấn mạnh Kế hoạch huy động nguồn lực không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và kinh tế đầy tham vọng mà còn mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động từ phát triển sạch, không để ai bị bỏ lại phía sau; khẳng định Anh và các nước đối tác đứng sau ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam, theo nhu cầu của chính Việt Nam.
Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết trong lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0” và đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng.
Sự kiện quan trọng này là bước triển khai đầu tiên để thực hiện JETP, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.