Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế như Hà Lan, Đan Mạch, UAE, Na Uy, Mông Cổ, Zambia, Ấn Độ, IMF, WTO, ông Tony Blair và John Kerry.
Nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên Tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại thành phố Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), sáng 1/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế như Hà Lan, Đan Mạch, UAE, Na Uy, Mông Cổ, Zambia, Ấn Độ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair - Đặc phái viên Khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry...
Tại cuộc gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao cuộc gặp trực tuyến giữa hai Thủ tướng ngày 2/11 vừa qua, trong đó hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về Thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Toàn diện.
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Đan Mạch đã tạo điều kiện để tập đoàn LEGO đầu tư tại Việt Nam, mong muốn hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, đồng thời đề nghị Đan Mạch tăng cường hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, nguồn vốn và chia sẻ kinh nghiệm về cải cách thể chế.
Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch đánh giá cao hợp tác Việt Nam-Đan Mạch, đặc biệt là về ứng phó biến đổi khí hậu, kết hợp với bảo đảm an ninh lương thực và hoan nghênh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đưa quan hệ song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng gặp lại Ngài Mark Rutte trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan đang trên đà phát triển tốt đẹp.
Về phần mình, Thủ tướng Mark Rutte nhắc lại ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Việt Nam vừa qua, đặc biệt là việc hai Thủ tướng đã cùng tham gia hoạt động đạp xe, là hoạt động mang tính biểu tượng thể hiện cam kết của hai nhà lãnh đạo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm.
Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hà Lan hoạt động, đầu tư tại Việt Nam; khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, công nghệ cao. Thủ tướng Mark Rutte khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA).
Tại cuộc gặp với Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum và Thái tử Tiểu vương Dubai Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-UAE và mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, sớm ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-UAE (CEPA); đề nghị UAE chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy các quỹ đầu tư UAE đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng UAE chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam cách đây 20 năm, bày tỏ mong muốn sớm thăm lại Việt Nam; khẳng định UAE rất coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thúc đẩy quan hệ, đặc biệt là sớm ký kết hiệp định CEPA.
Thái tử Tiểu vương Dubai Hamdan bin Mohammed Al Maktoum bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam, chia sẻ ấn tượng về chất lượng nổi tiếng của sản phẩm cà phê Việt Nam; sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Tài chính Dubai.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả chuyến thăm Na Uy vừa qua của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và nhất trí thúc đẩy các thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm.
Thủ tướng Na Uy đề nghị tăng cường quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, nhất trí mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy cho kinh tế, xã hội của nước sở tại.
Thủ tướng Na Uy đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và khẳng định Na Uy sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là về phát triển năng lượng tái tạo, pin lưu trữ năng lượng sạch; nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực lao động và giáo dục, đào tạo.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mông Cổ và đề nghị hai nước tăng cường triển khai các thỏa thuận quan trọng đạt được nhân chuyến thăm.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh bày tỏ ấn tượng sâu sắc với chuyến thăm Việt Nam, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã đón tiếp trọng thị và nhất trí cùng nỗ lực triển khai các thỏa thuận, tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là kết nối vận tải đường bộ, đường không, thúc đẩy thương mại.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị với Zambia và mong muốn hai nước tăng cường hợp tác nhiều mặt.
Tổng thống Zambia đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác, trong đó có hợp tác ba bên về nông nghiệp và mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển, cải cách thủ tục, cung cấp dịch vụ công.
Tổng thống Zambia cảm ơn lời mời và bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam, đồng thời trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Zambia.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, thúc đẩy công bằng, công lý, bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển.
Bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của IMF trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam và mời bà Kristalina Georgieva sớm thăm Việt Nam.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá cao các nỗ lực phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua và cho biết IMF dự kiến sẽ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới; khẳng định sẽ sớm sang thăm Việt Nam.
Hai bên chia sẻ quan điểm cộng đồng quốc tế cần gia tăng sự đồng thuận, tăng cường đoàn kết, mở rộng hợp tác bảo đảm lợi ích của người dân.
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là về kinh tế-thương mại và chủ động tham gia, đóng góp xây dựng vào các hoạt động của WTO.
Thủ tướng đề nghị WTO tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề liên quan thương mại, nghiên cứu xử lý tình trạng gia tăng áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có việc áp thuế carbon.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu thành công trong việc tận dụng những lợi ích của thương mại phục vụ phát triển, mong muốn chia sẻ những bài học của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước châu Phi.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala hoàn toàn chia sẻ các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và khẳng định WTO chia sẻ những khó khăn của Việt Nam, đồng thời sẽ tích cực hợp tác, đồng hành với Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
Tại cuộc gặp với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Anh và đánh giá cao bước phát triển tích cực của quan hệ hai nước thời gian qua.
Thủ tướng đề nghị ông Tony Blair tiếp tục quan tâm tư vấn, hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề phát triển, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Tony Blair nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và nhất trí sẽ hỗ trợ, tư vấn chiến lược cho các cơ quan liên quan của Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ song phương Việt Nam-Anh.
Bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những bước phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.
Thủ tướng chúc mừng những thành tựu ấn tượng mà Ấn Độ đã đạt được thời gian qua, đặc biệt là về khoa học vũ trụ và bày tỏ mong muốn Ấn Độ tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng Narendra Modi khẳng định Việt Nam là đối tác đặc biệt quan trọng của Ấn Độ, nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc các cơ quan hai nước cần nghiên cứu, trao đổi về khả năng đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
Thủ tướng Modi cho biết với năng lực cao về sản xuất chip bán dẫn, Ấn Độ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, cũng như trong lĩnh vực công nghệ nói chung.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng gặp lại đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry và đánh giá cao những bước phát triển quan trọng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam tháng 9 vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và việc hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng thông báo với đặc phái viên John Kerry về những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là Quy hoạch Điện VIII, chiến lược năng lượng xanh, phát triển điện gió ngoài khơi, triển khai dự án phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp…
Ông John Kerry khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhất trí về việc hai nước cần đẩy mạnh hiện thực hóa các thỏa thuận trong Tuyên bố chung giữa hai nước tháng 9 vừa qua, trong đó có lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.