Mỹ sẽ đưa ra chiến lược quốc tế đầu tiên để thương mại hóa điện nhiệt hạch, tức nguồn năng lượng điện phát ra từ một nhà máy điện nhiệt hạch (hoặc hợp hạch).
Trong tuyên bố ngày 20/11, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry cho biết Mỹ sẽ trình bày thêm chi tiết về chiến lược quốc tế về sản xuất nguồn năng lượng này, trong đó có tính đến các quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước khác. Đặc phái viên Kerry cho biết Mỹ sẽ công bố chiến lược nói trên tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28). Hội nghị này sẽ diễn ra tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), từ ngày 30/11 - 12/12.
Hồi tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học Mỹ làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California đã thu được năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch bằng cách sử dụng công nghệ laser. Đây được coi là bước đi mang tính đột phá trong nỗ lực tạo nguồn năng lượng sạch cho tương lai. Ông Kerry cũng đã ủng hộ việc cấp vốn hỗ trợ dự án nghiên cứu tạo năng lượng nhiệt hạch tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Phản ứng nhiệt hạch là quá trình sử dụng laser hoặc nam châm cực mạnh để hợp nhất hai nguyên tử nhẹ thành một nguyên tử nặng hơn. Cùng với quá trình này là sự giải phóng năng lượng ở quy mô lớn, mà không phát thải carbon.
Phản ứng nhiệt hạch có ưu điểm so với các nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ phản ứng phân hạch, do không tạo ra lượng chất thải phóng xạ tồn tại lâu dài trong tự nhiên. Nếu được triển khai thành công, điện năng thu được từ phản ứng nhiệt hạch có thể cung cấp nguồn điện “sạch”, không phát thải carbon, đồng thời có giá thành rẻ.
Hôm 8/11, Mỹ và Anh đã ký thỏa thuận hợp tác về sản xuất năng lượng nhiệt hạch. Dự kiến, Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác với nhiều nước khác nhằm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa năng lượng này.
Các nhà khoa học đang kêu gọi các nước khẩn trương triển khai các chính sách về chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, nhằm giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Mặc dù vậy, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất loại năng lượng này đã suy giảm trong năm nay do lạm phát và tình hình kinh tế bất ổn. Theo Hiệp hội công nghiệp nhiệt hạch, tính từ đầu năm đến nay, các công ty sản xuất năng lượng nhiệt hạch mới nhận được các khoản đầu tư tư nhân trị giá khoảng 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, con số này so với cùng kỳ năm ngoái là 2,83 tỷ USD. Tuy nhiên, số lượng công ty nhận được đầu tư lại tăng lên 43, từ mức 33, trải rộng trên hơn 10 quốc gia gồm Đức, Australia, Nhật Bản và Anh.
Trong khi đó, một số ý kiến quan ngại về những khó khăn và rào cản đối với hoạt động sản xuất điện nhiệt hạch, cũng như thiết lập được các thỏa thuận mua bán loại năng lượng này. Cụ thể, một số nhà khoa học cho rằng khả năng thực hiện thành công các phản ứng nhiệt hạch vẫn chưa cao. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến xây dựng, chọn địa điểm tọa lạc của các nhà máy điện nhiệt hạch cũng như các quy định vận hành vẫn cũng là những rào cản.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng sẽ tốn nhiều vốn đầu tư và mất nhiều thời gian để có thể xây dựng được những nhà máy tạo năng lượng nhiệt hạch trong tương lai, nhất là khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp bách.
Theo báo Tin tức