Chỉ thị trên phản ánh thực tế ngân sách hiện tại đang chịu sức ép rất lớn, bất chấp những hứa hẹn trước đó của Chính phủ Anh về việc khẩn trương tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Nguồn: irishtimes.com)
Ngày 29.1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu tất cả các thành viên nội các phải đệ trình các khoản cắt giảm tương đương ít nhất 5% ngân sách hoạt động tại những cơ quan của chính phủ mà họ phụ trách.
Theo phóng viên TTXVN tại London, một chỉ thị do Thủ tướng Johnson và Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid ký chung ngày 29.1 đã nêu rõ tình hình ngân sách của Chính phủ Anh vẫn cực kỳ khó khăn, mặc dù đã trải qua giai đoạn cắt giảm mạnh về dịch vụ công trong một thập kỷ qua.
Các cơ quan chính phủ Anh được xác định các khoản cắt giảm tương đương ít nhất 5% ngân sách hoạt động thường xuyên và lập danh sách 10 dự án không cần thiết để cắt bỏ trong kế hoạch đánh giá chi tiêu toàn diện vào mùa thu năm nay dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính.
Chỉ thị này yêu cầu các quan chức chính phủ phải rà soát “từng dòng” trong kế hoạch ngân sách của bộ phận do mình phụ trách, trong đó mạnh dạn cắt bỏ nhiều chương trình, trừ các dự án liên quan trực tiếp đến những ưu tiên của chính phủ hiện nay là tăng cường đầu tư cho Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh phòng chống tội phạm và giải quyết tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương.
Dự kiến đội ngũ giám sát chi tiêu công của Bộ Tài chính Anh sẽ có những cuộc tranh luận gay gắt với hầu hết các cơ quan của chính phủ trong những tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Javid hiện đã có một danh sách dài những ưu tiên chi tiêu, từ chăm sóc xã hội đến giáo dục sau đại học.
Chỉ thị trên phản ánh thực tế ngân sách hiện tại đang chịu sức ép rất lớn, bất chấp những hứa hẹn trước đó của Chính phủ Anh về việc khẩn trương tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng - thông qua các kênh huy động vốn như đi vay hoặc phát hành trái phiếu.
Theo cương lĩnh tranh cử của Đảng Bảo thủ, Chính phủ Anh sẽ chỉ được tiêu thêm 5 tỷ bảng so với quy định tài khóa mới để cân bằng thâm hụt ngân sách hiện tại trong tài khóa 2022-2023.
Tuy nhiên, tình hình tài chính công của Anh trong năm 2020 được đánh giá là tương đối “khỏe mạnh” và vẫn đang trong lộ trình thu hẹp thâm hụt ngân sách còn khả quan hơn dự báo trước đó của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, giúp Bộ trưởng Tài chính Javid phần nào có nhiều tính toán hơn trước khi công bố kế hoạch ngân sách tháng 3.
Tuy nhiên, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh có thể sẽ phải xem xét lại mức dự báo về thâm hụt ngân sách do lo ngại triển vọng tăng trưởng kinh tế không khả quan, trong trường hợp xảy ra Brexit “cứng” qua việc Anh và EU chỉ đạt được một thỏa thuận thương mại theo “mô hình Canada” trong năm 2020.
Theo TTXVN