Hải quân Mỹ khẳng định cuộc tập trận của hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz "đã được lên kế hoạch từ lâu" và sẽ không diễn ra gần thực thể tranh chấp nào trên Biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt dàn đội hình khi hiệp đồng chỉ huy và tập trận trên biển Philippines cuối tháng 6.2020. Ảnh: US NAVY
Đây là một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất của Mỹ ở Biển Đông trong nhiều năm qua và bắt đầu đúng Quốc khánh Mỹ 4.7, diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn từ ngày 1 - 5.7 ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Động thái mạnh mẽ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 3.7 biện minh ngang ngược rằng nước này có quyền làm bất kỳ điều gì trong lãnh thổ của mình, khi trả lời câu hỏi về cuộc tập trận ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông này cũng đáp trả lại các chỉ trích của Mỹ và ám chỉ chính các cuộc tập trận của Washington mới là nguyên nhân gây bất ổn - một luận điệu khác cũng đã được Bắc Kinh sử dụng nhuần nhuyễn để biến Biển Đông thành vấn đề của riêng Trung Quốc và các nước nhỏ.
Do vậy, thông tin Mỹ đưa hai tàu sân bay cùng ít nhất 4 tàu chiến khác, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, tập trận được giới quan sát xem như một thông điệp mang tính cảnh báo mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
"Sự hiện diện của hai tàu sân bay không nhằm đáp lại sự kiện chính trị quốc tế nào mà chỉ là một trong nhiều cách hải quân Mỹ sử dụng để thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - sĩ quan Joe Jeiley, người phát ngôn Hạm đội 7, đưa ra tuyên bố chừng mực về việc lần đầu tiên kể từ năm 2014 có hai tàu sân bay Mỹ cùng xuất hiện trên Biển Đông và hiệp đồng chỉ huy diễn tập, theo Đài CNN.
Trong khi đó, Sean Brophy, người phát ngôn của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan nhấn mạnh sự hiện diện này chứng minh cho "các cam kết lâu dài của Mỹ trong việc bảo vệ quyền của các quốc gia được tự do đi lại trên biển, trên không và hoạt động ở những khu vực được luật quốc tế cho phép".
Trước đó, hôm 2.7, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố lên án cuộc tập trận của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng phi pháp của Việt Nam và nhấn mạnh "hành động của Trung Quốc chỉ làm bất ổn hơn nữa tình hình Biển Đông".
Đừng hòng làm bá chủ!
Các tuyên bố trên của Mỹ cho thấy rõ quan điểm nhất quán của Washington lâu nay: Biển Đông không phải vùng biển của Trung Quốc. Mỹ và các nước khác có quyền tiến hành các hoạt động đi lại, phát triển kinh tế và làm những điều khác tại các khu vực được luật quốc tế cho phép trên Biển Đông.
Hôm 28.6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một thông điệp đáng chú ý trên Twitter. Ông cảnh báo Bắc Kinh không được xem Biển Đông là vùng chịu ảnh hưởng của mình.
Từ gốc ngoại trưởng Mỹ sử dụng là "maritime empire", vốn được dùng để chỉ những vùng biển chịu sự thống trị và chi phối của một cường quốc hàng hải sau một loạt các hành động quân sự, chẳng hạn như Ấn Độ Dương và phía nam Đại Tây Dương đã từng bị người Anh kiểm soát.
Trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 1.7, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (Mỹ) nhận định Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ Biển Đông.
"Ông Tập Cận Bình đã đặt Biển Đông cùng những vấn đề khác vào trọng tâm của "Trung Hoa mộng", thứ sẽ giúp ông ấy đảm bảo được tính chính danh của mình. Do đó trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy (các hành động hung hăng) tại Biển Đông".
Tham vọng biến Biển Đông thành cái ao riêng bằng cách bất tuân luật pháp quốc tế của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối lớn từ cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là Mỹ.
Nói như Ngoại trưởng Pompeo trên Twitter hôm 4.7, dù là ở Biển Đông hay bất kỳ nơi nào khác, các quốc gia phải ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của các nước bất kể lớn hay nhỏ, quyền lực và khả năng quân sự ra sao.
ASEAN "đồng lòng" về UNCLOS 1982 Trong bài đăng trên báo South China Morning Post ngày 4.7, nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) lưu ý một điểm đặc biệt trong tuyên bố chủ tịch Việt Nam thay mặt 10 nước ASEAN phát sau hội nghị cấp cao thứ 36. Theo đó, lần đầu tiên sau nhiều năm và chỉ đến khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch, ASEAN đã tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) "là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải. Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982". Việc những dòng trên xuất hiện trong một văn bản có tính chất như tuyên bố chung đã cho thấy sự nhất trí của các nhà lãnh đạo ASEAN về tầm quan trọng của UNCLOS và thực thi nó, theo ông Collin. |
Theo Tuổi trẻ