Du lịch

Trung Quốc vẫn vật vã hút khách quốc tế

ĐH (theo VnExpress) 10/05/2024 14:54

Du lịch nội địa Trung Quốc đang nổi lên và hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ ảm đạm, nhưng khách quốc tế đến vẫn sụt giảm liên tục.

Du khách mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc chụp ảnh tại phố cổ Poyang ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang vào ngày cuối cùng của năm 2023. Ảnh: Xinhua
Du khách mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc chụp ảnh tại phố cổ Poyang ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang vào ngày cuối cùng của năm 2023

Thị trấn lịch sử Ô Trấn với những con đường nhỏ và các cây cầu cũ bắc qua kênh rạch luôn chật kín người. Hai nữ du khách ở độ tuổi 20 trong lúc ngồi làm tóc để chụp ảnh đã hết lời khen ngợi vẻ đẹp cổ kính nơi đây. Họ cho biết sau dịch người dân đều đổ xô đi du lịch nội địa. Gần đó, một người bán kem cho biết lượng khách du lịch gần đây "không tệ lắm" và "gần bằng trước dịch". Wang Ying, chủ một cửa hàng bán đồ ăn nhẹ truyền thống, cười rạng rỡ khoe "việc kinh doanh đang rất tốt đẹp".

Những điều này được coi là tin tốt cho chính phủ Trung Quốc vì tiêu dùng nội địa thúc đẩy sẽ giúp ích phần nào chống lại suy thoái kinh tế. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay "khoảng 5%" giữa những thách thức của giai đoạn ảm đạm. Các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng mục tiêu này khó đạt được nếu chính phủ không có thêm biện pháp kích cầu đáng kể.

Số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch chỉ ra trong kỳ nghỉ lễ 1/5 kéo dài 5 ngày người Trung Quốc đã thực hiện 295 triệu chuyến du lịch nội địa, cao hơn 28% so với cùng kỳ 2019 - năm trước đại dịch. Schubert Lou, CEO công ty du lịch Trip.com, cho biết nhu cầu du lịch nội địa đang rất mạnh mẽ với lượng tìm kiếm khách sạn tăng 67%, lượng chuyến bay tăng 80% so với 2023.

Dù du lịch nội địa mang lại kết quả đáng ngưỡng mộ nhưng lượng khách quốc tế đến vẫn tiếp tục sụt giảm, hiện chỉ bằng 30% so với cùng kỳ 2019.

Nhà tư vấn du lịch Peng Han từ Travel Daily Peng chỉ ra một vấn đề là mức tiêu dùng bình quân đầu người vẫn thấp dù khách nội địa tăng. Sự bất ổn kinh tế khiến nhiều người vẫn đi du lịch nhưng chi tiêu cân nhắc hơn. Pen tin rằng hiện giờ là lúc Trung Quốc cần tìm cách thu hút lượng lớn khách quốc tế chi tiêu nhiều để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế.

Nhưng đơn giản là họ không đến Trung Quốc với số lượng như trước. Năm 2019, Trung Quốc đón 98 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2023, con số là 35 triệu, nhưng không chỉ là khách du lịch mà còn gồm khách đi công tác, du học sinh, kinh doanh, thăm thân.

Lou nói khách quốc tế và nội địa đi du lịch Trung Quốc đang "không đồng đều". Ba năm áp dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 chặt chẽ đã làm giảm lượng khách quốc tế. Nhưng đây không còn là nguyên nhân chính để giải thích cho tình hình vắng khách hiện tại.

Huang Songshan, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu du lịch tại Trường Kinh doanh và Luật thuộc Đại học Edith Cowan, Australia, cho rằng khách quốc tế đến ít một phần vì bối cảnh địa chính trị đang thay đổi trên toàn cầu. Một cuộc khảo sát năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu Pew Research Centre chỉ ra nhiều khách phương Tây đều không đưa Trung Quốc vào danh sách đến đầu tiên. Lời khuyên đi du lịch đến Trung Quốc của nhiều chính phủ cũng thể hiện quan điểm không mấy mặn mà. Washington cảnh báo công dân "nên xem xét lại việc đi du lịch Trung Quốc" trong khi Australia đặt cảnh báo "mức độ thận trọng cao" khi khuyến cáo công dân đến Trung Quốc.

Thiếu chuyến bay cũng là vấn đề. Tháng 3 năm nay chỉ có 332 chuyến khứ hồi theo lịch trình giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó con số này là 1.506 chuyến vào tháng 4/2019. Chuyến bay ít khiến vé máy bay tăng giá, làm giảm số lượng khách muốn ghé thăm.

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Trung Quốc vẫn còn găp khó khăn trong thanh toán online. Thanh toán qua điện thoại tại Trung Quốc rất phát triển, nhưng chỉ hoạt động dễ dàng với công dân trong nước nhưng lại khiến khách quốc tế đau đầu vì khó giao dịch. Nhiều trang web vận chuyển, mua bán chỉ có tiếng Trung, không sẵn tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác khiến khách quốc tế khó khăn trong mua bán.

Giáo sư Chen Yong tại Trường Kinh doanh Khách sạn EHL của Thụy Sĩ tin rằng những rào cản liên quan đến ứng dụng thanh toán, đặt phòng "có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng" trong việc hút khách quốc tế đến Trung Quốc.

Quay trở lại Ô Trấn, sự hiện diện của khách quốc tế ít hơn nhiều so với những năm trước nhưng vẫn có một vài gương mặt người nước ngoài trong đám đông. Một cặp đôi người Italy cho biết sử dụng các ứng dụng thanh toán tại Trung Quốc "là một thách thức" nhưng "không quá khó để vượt qua". Dù vậy họ vẫn phải công nhận giao dịch sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có "một người bạn Trung Quốc đi cùng và hướng dẫn".

ĐH (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc vẫn vật vã hút khách quốc tế