Trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy

27/03/2019 07:47

Tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, bức xúc của dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Điều này đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Ngày 26.5.2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Thực hiện Chỉ thị số 35, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, phổ biến sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền các luật: Khiếu nại, Tố cáo, Tiếp công dân; các nghị định, hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc tiếp công dân, giải quyết KNTC bảo đảm đúng quy định; các đơn thư được xem xét, giải quyết, nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở. Qua đó đã hạn chế những điểm nóng về khiếu kiện, tình trạng đơn thư vượt cấp, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân còn hạn chế, bất cập. Tình trạng KNTC, những vấn đề xã hội bức xúc, khiếu kiện đông người vượt cấp, những điểm nóng vẫn tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đi sâu nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc và giải quyết triệt để vấn đề khi mới phát sinh; chưa thật sự làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong tiếp dân, giải quyết KNTC. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp hiệu quả với một số đối tượng lợi dụng quyền KNTC kích động quần chúng tạo dư luận tiêu cực. Một số địa bàn có nhiều đơn thư khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, KNTC, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18.2.2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Theo quy định, người đứng đầu cấp ủy không những phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân mà còn phải trực tiếp tiếp dân, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cấp ủy phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền. Trình tự thủ tục tiếp dân cần đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, KNTC theo quy định. Mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất một ngày; người đứng đầu cấp xã tiếp dân ít nhất hai ngày và tiếp đột xuất trong các trường hợp vụ việc phức tạp, nổi cộm, kéo dài hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Quy định số 11 của Bộ Chính trị rất đúng và trúng với thực tế, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và đảng viên trong cả nước. Nếu quy định này được người đứng đầu cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc sẽ hạn chế việc đùn đẩy trách nhiệm giải quyết giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các ngành, các cấp và tình trạng khiếu kiện kéo dài hàng chục năm như ở một số địa phương trong cả nước.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy