Sách có thể giải quyết 80% những bế tắc, mù mờ trong cuộc sống. Một khi gặp bối rối, hãy thử tìm lời giải trong sách.
1. Đọc sách khi bối rối
Vấn đề nhiều người trong chúng ta đang gặp phải là không đọc nhiều nhưng suy nghĩ quá nhiều.
Đọc sách có thể khiến một người trở nên khiêm tốn. Sách có thể giải quyết 80% những bế tắc của cuộc sống. Đọc sách cũng có thể lặng lẽ xóa đi sự hời hợt và thiếu hiểu biết.
Nhiều người nói sách chính là thuốc, đọc chính là cách chữa bệnh. Khi gặp vấn đề, những cuốn sách có thể khiến bạn phải suy nghĩ và cân nhắc nhiều hơn, bớt tin tưởng một cách mù quáng.
Hãy hình thành thói quen đọc sách bằng cách dành ít nhất nửa tiếng mỗi ngày. Cuộc sống này luôn có nhiều biến cố. Tiền tài có thể bị cướp mất, chỉ có tri thức là không bị ai lấy đi.
2. Tập thể dục khi buồn
Đã có nhiều câu chuyện thoát khỏi bế tắc nhờ thể dục.
Tập thể dục mang lại những thay đổi về thể chất như giúp bạn kiểm soát cân nặng, giữ cơ thể khỏe mạnh và hoạt bát. Nhưng nó còn có tác dụng lên ý chí, đó là biến bản thân từ con sâu lười biến thành con chim chăm chỉ, ý chí cứng rắn và mở ra cho nhiều cơ hội mới.
Không bao giờ là quá muộn để tập thể dục. Hãy tập như một thói quen. Khi cơ thể vận động, trái tim cũng được vận động và cả cơ thể như được bơm năng lượng mới khám phá cuộc sống.
Giữ một thái độ sống tích cực giúp bạn hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống. Ảnh: Simpleliving
3. Đặt bản thân trong nghịch cảnh
Cái gọi là nghịch cảnh chẳng qua là khả năng hiện tại của bạn không đủ để có được cuộc sống như bạn mong muốn. Một khi khả năng được cải thiện, các chướng ngại vật trước đây được cho là không thể lại trở nên có thể.
Bạn có thể học một kỹ năng mới, chẳng hạn như bơi lội, bắn súng hay học ngoại ngữ. Chăm chỉ, dám trải qua những đơn độc, khó khăn, kiên định mục tiêu đã chọn thì con đường có dài bao nhiêu cuối cùng cũng lên được đỉnh cao.
4. Dành thời gian chiêm nghiệm
Một người nên dành thời gian để xem xét nội tâm mỗi ngày và tự kiểm lại mọi lời nói, việc làm ngày hôm đó. Nếu sai một câu, lần sau cố gắng nói hợp lý hơn, đây là sự phát triển. Làm sai một điều, cố gắng tránh phạm phải sai lầm tương tự lần thứ hai, đây là sự trưởng thành. Nếu có suy nghĩ xấu, đừng dễ dãi bỏ qua, mà phân tích, sửa sai một cách tích cực, đây là một sự khởi đầu mới.
Khi chiêm nghiệm, bạn đang cho bản thân thêm thời gian ở một mình, trò chuyện thật lâu với trái tim, lắng lòng mình để kiểm tra lại bản thân và đối diện với cuộc sống một cách thẳng thắn.
Người biết hướng nội là người có khả năng tự làm mới mình. Chỉ khi bạn sẵn sàng đối mặt với những sai lầm và thiếu sót của bản thân, bạn mới có thể không ngừng hoàn thiện hơn.
5. Thái độ sống tích cực
Những người quan tâm đến được và mất sẽ không có một tâm hồn rộng mở, sẽ không có một trạng thái tâm trí bình tĩnh và sẽ không có dũng khí thực sự.
Đừng quá lo lắng khi gặp khó khăn, hãy nhìn xa những gì nên nhìn và buông bỏ những gì cần buông.
Những người quan tâm quá nhiều thường có cuộc sống không hạnh phúc. Hãy nhớ, trên đời không tồn tại sự hoàn hảo thực sự và đôi khi lo lắng về mọi thứ, theo đuổi sự hoàn hảo sẽ phản tác dụng.
Đừng mãi định kiến, đừng mù quáng phản kháng, hãy tạm buông bỏ những gì đã học, đã nghe, đã thấy trong quá khứ mà chấp nhận học hỏi thêm. Chỉ bằng cách mở rộng tầm nhìn, bạn mới có thể thay đổi nhận thức và đón nhận cuộc sống mới.
Theo VnExpress