Đời sống văn hóa

Thơ trong đời sống người Việt

T.H (theo báo Tin tức) 23/02/2024 11:13

Ngày Thơ Việt Nam là một hoạt động văn hóa lớn, được tổ chức thường niên vào Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng).

Chú thích ảnh
Tối 22/2/2024, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”

Thơ ca có vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Từ bao đời nay, thơ ca luôn đóng vai trò là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Thơ là “tiếng nói tâm hồn”, là "cánh buồm lộng gió" chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão vươn xa. Vai trò đó không chỉ được thể hiện qua các nhu cầu giải trí mà còn cả trong các lĩnh vực học tập, lao động và chiến đấu, trở thành nét văn hóa đẹp, đặc sắc không thể thiếu của dân tộc Việt Nam.

Từ xa xưa khi chưa có chữ viết thì thơ đã xuất hiện trong đời sống của người dân Việt. Rất nhiều câu ca dao, tục ngữ có vần có điệu, dễ nhớ, dễ thuộc của thơ ca dân gian bây giờ vẫn đang được lưu giữ, tồn tại và được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Khi chữ viết ra đời, thơ càng thêm phát triển, từ các thể thơ Cổ Phong, Đường luật tới các thể loại thơ Hàn luật, Lục bát, Song thất lục bát, rồi thơ hiện đại, tự do ngày nay.

Thơ là phương pháp tốt nhất nếu không nói là duy nhất vừa chứng tỏ được tài năng trí tuệ, vừa thể hiện được tâm tư tình cảm của người làm thơ. Chính vì thế các khoa thi xưa, đề bài chỉ chuyên về bình thơ và sáng tác thơ. Những danh nhân được người sau nhắc đến nhiều nhất, nếu không là danh tướng thì cũng là thi nhân. Đa phần là sự kết hợp của cả hai. Ai cũng biết tên tuổi của Thái úy Lý Thường Kiệt ngoài trận chiến trên sông Như Nguyệt còn gắn với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Lời thơ trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi còn lưu danh hơn cả những trận đánh Hàm Tử, Chi Lăng. Và vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với “Hịch xuất quân", Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Nguyên tiêu” và nhiều bài thơ khác đều cho thấy các bậc hào kiệt xưa giỏi dụng thơ làm vũ khí như thế nào và thơ ca có vị trí quan trọng ra sao trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Những tác giả danh tiếng thời xưa từ Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... cho đến những nhà thơ cận đại sau này như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... và các nhà thơ hiện đại như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ…, tất cả đều có chỗ đứng trang trọng lâu dài trong lòng rất nhiều người dân Việt.

Thơ còn làm chất liệu để các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc vượt thời gian… Những ca khúc “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ những tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh, đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng. Nhạc sĩ Phú Quang cũng có nhiều ca khúc nổi tiếng phổ từ thơ như "Biển nỗi nhớ và em” phổ từ bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh, “Đâu phải bởi mùa thu” phổ bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Giáng Vân và bài “Em ơi Hà Nội phố phổ thơ” của Phan Vũ. “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật; ca khúc “Nổi lửa lên em” của nhạc sĩ Huy Du phổ từ bài thơ “Tiểu đội xe không kính” cũng của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Thơ ca luôn vang lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong mất mát, đau thương, hay niềm vui, hy vọng. Trong đại dịch COVID-19, trên các báo, tạp chí, thơ vẫn được đăng tải. Các tập thơ cũng được xuất bản đều đặn. Trên mạng xã hội, những vần thơ lan tỏa mạnh mẽ, có đời sống phong phú. Không chỉ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà những sinh viên, trí thức, người lao động… cũng bước vào thế giới này, mượn thơ để bày tỏ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình. Đặc biệt, có những bài thơ, chùm thơ, thậm chí có cả những trường ca về đề tài phòng, chống dịch COVID, nói về con người Việt Nam, bản lĩnh, thái độ sống, cách hành xử của mỗi người khi đối mặt với đại dịch.

Thơ ra đời từ đòi hỏi của cuộc sống và đương nhiên thơ lại trở về với cuộc sống. Điều này chứng tỏ thơ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người Việt và việc có một ngày hội tôn vinh thơ ở đất nước “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, yêu thi ca nhất nhì thế giới này là một sự độc đáo, riêng có.

Lắng nghe “Bản hòa âm đất nước”

Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, năm 2024, sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/2/2024, tại Hoàng thành Thăng Long.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chọn chủ đề “Bản hòa âm đất nước” với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). "Lần đầu tiên các đại diện của các vùng văn hóa, tiếng nói thi ca của các dân tộc sẽ hội tụ tại Hoàng thành Thăng Long trong Ngày thơ Việt Nam. Họ cùng cất tiếng về những vẻ đẹp của dân tộc mình để hòa vào nhau tạo nên bản sắc của văn hóa Việt Nam".

Theo đó sẽ có tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” và đêm thơ mang tên “Bản hòa âm đất nước”. Nội dung chính của đêm thơ, gồm 4 phần: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; Các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam; Những dư âm còn mãi. Các tác phẩm được trình diễn bao gồm các truyện thơ, sử thi: Bách điểu bách hoa của dân tộc Tày, Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường, Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái. Đây đều là những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Cùng với đó, thơ của 16 tác giả trong nước và quốc tế sẽ do tác giả trực tiếp đọc hoặc được các nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ trình bày. Có thể kể tên một số nhà thơ có tác phẩm tại đêm thơ, như: Nông Quốc Chấn, Dương Khâu Luông (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí), Lý Hữu Lương (dân tộc Dao), Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm), Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer), Thái Hồng (dân tộc Hoa), Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường)…

Không gian của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 cũng có nhiều điểm nhấn đáng kể. Các sự kiện chính sẽ diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, chiếu từ cửa Đoan Môn đến Cột cờ Hà Nội. Đặc biệt, đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng nên vầng trăng được chọn làm ngôn ngữ thiết kế không gian mỹ thuật.

Cụ thể, cổng thơ là những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày Rằm. Bước qua cổng thơ là đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay, do ban tổ chức tuyển chọn. Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc của Việt Nam.

Tiếp đến là cây thơ, trên đỉnh cây thơ là một nửa vầng trăng, bên dưới là 54 câu đố thơ được treo trên cành cây. Khán giả có thể tham gia trò đố vui: đọc câu thơ, gọi đúng tên tác giả và nhận phần thưởng. Điểm đến cuối cùng là sân khấu chính - một vầng trăng trọn vẹn, kết thúc hành trình của vầng trăng non từ cổng thơ đến nơi diễn ra đêm thơ.

Bên cạnh đó, trên chính giữa trục thần đạo, năm nay ban tổ chức tiếp tục xây dựng không gian Nhà ký ức. Đây sẽ là nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đó là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Đáng chú ý, Nhà ký ức được thiết kế mang hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.

Ngoài ra, sắc thái đặc trưng của các dân tộc cũng được khai thác để tạo dựng không gian của ngày thơ. Cụ thể, hiệu ứng họa văn thổ cẩm được thể hiện trên sân khấu chính và toàn bộ các hạng mục cổng thơ, đường thơ, cây thơ, quán thơ, nhà ký ức. Hoặc trải nghiệm không gian sắp đặt vò rượu cần, tung quả còn gắn những câu thơ hay lấy may đầu năm… cũng là những hoạt động đáng kể tạo nên không gian bám sát chủ đề của Ngày thơ Việt Nam năm nay.

T.H (theo báo Tin tức)
(0) Bình luận
Thơ trong đời sống người Việt