Ngày Thơ - nét đẹp trong văn hóa Việt

15/02/2022 13:34

Ngày Thơ Việt Nam là một hoạt động văn hóa lớn, được tổ chức thường niên vào dịp Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng).

Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam năm 2018

Gần hai thập niên qua, mỗi dịp chào đón một năm mới là khách thơ lại nô nức tìm về Văn Miếu-Quốc Tử giám cũng như các điểm tổ chức Ngày Thơ trên cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hai năm qua (2020, 2021), Ngày Thơ Việt Nam không được tổ chức.

Năm nay, với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20 sẽ được tổ chức trở lại, tuy nhiên sẽ bằng hình thức trực tuyến.

Vun đắp niềm tin và hy vọng

Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn, thách thức và cả mất mát đối với đất nước bởi đại dịch COVID-19. Nhưng trong khó khăn, thách thức và mất mát ấy, tinh thần Việt Nam lại một lần nữa hiện ra với vẻ đẹp văn hóa cao thượng và ý chí sống mãnh liệt như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Đó là tình yêu thương đồng loại, là sự dâng hiến cho cộng đồng, là sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân cho sự bình an của con người và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là niềm hy vọng lớn lao của con người Việt Nam vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì những điều đó, Hội Nhà văn Việt Nam lấy chủ đề của Ngày Thơ lần thứ 20 là "Hãy sống và hy vọng".

Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh và vì sự an toàn cho từng người dân và cả xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội Văn học nghệ thuật của các tỉnh, thành phố dựa trên tình hình dịch bệnh cụ thể ở địa phương mình để có cách tổ chức Ngày Thơ phù hợp và an toàn nhất. Tại Thủ đô Hà Nội, Ngày Thơ lần thứ 20 sẽ không tổ chức ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám như thường lệ mà sẽ chuyển thành hình thức trực tuyến.

Dù mỗi năm Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng, nhưng Ngày Thơ Việt Nam đều hội tụ những tư tưởng nhân văn sâu sắc và truyền cảm hứng tới tất cả công chúng. Đến nay Ngày Thơ Việt Nam càng được hoàn thiện hơn theo hướng đa dạng hóa về nội dung, lễ hội hóa về phương thức tổ chức thu hút đông đảo hàng triệu nhà thơ và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước tham gia.

Có thể nói Ngày Thơ Việt Nam đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thơ của người dân. Đây không chỉ là một ngày hội mà còn là một sân chơi bổ ích dành cho mọi lứa tuổi. Đó không chỉ là sự khuấy động, kích thích không khí thơ, biến nó thành ngày hội trong sinh hoạt, sáng tạo và thưởng thức, giao lưu của công chúng và những người làm thơ, mà đó còn là sự tái hiện, hội nhập, tiếp bước và nâng cao, làm hiển minh những giá trị thi ca, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc tự ngàn xưa.

Ngày Thơ còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai.

Ngày Thơ Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào năm Quý Mùi 2003 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà thơ và công chúng yêu thơ.     

Thơ trong đời sống người Việt

Từ bao đời nay, thơ ca luôn đóng vai trò là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Thơ là “tiếng nói tâm hồn”, là "cánh buồm lộng gió" chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão vươn xa. Vai trò đó không chỉ được thể hiện qua các nhu cầu giải trí mà còn cả trong các lĩnh vực học tập, lao động và chiến đấu, trở thành nét văn hóa đẹp, đặc sắc không thể thiếu của dân tộc ta.

Từ xa xưa khi chưa có chữ viết thì thơ đã xuất hiện trong đời sống của người dân Việt. Rất nhiều câu ca dao, tục ngữ có vần có điệu, dễ nhớ, dễ thuộc của thơ ca dân gian bây giờ vẫn đang được lưu giữ, tồn tại và được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Khi chữ viết ra đời, thơ càng thêm phát triển, từ các thể thơ Cổ Phong, Đường luật tới các thể loại thơ Hàn luật, Lục bát, Song thất lục bát, rồi thơ hiện đại, tự do ngày nay.

Thơ là phương pháp tốt nhất nếu không nói là duy nhất vừa chứng tỏ được tài năng trí tuệ, vừa thể hiện được tâm tư tình cảm của người làm thơ. Chính vì thế các khoa thi xưa, đề bài chỉ chuyên về bình thơ và sáng tác thơ. Những danh nhân được người sau nhắc đến nhiều nhất, nếu không là danh tướng thì cũng là thi nhân. Đa phần là sự kết hợp của cả hai. Ai cũng biết tên tuổi của Thái úy Lý Thường Kiệt ngoài trận chiến trên sông Như Nguyệt còn gắn với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Lời thơ trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi còn lưu danh hơn cả những trận đánh Hàm Tử, Chi Lăng. Và vua Quang Trung-Nguyễn Huệ với “Hịch xuất quân", Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Nguyên tiêu” và nhiều bài thơ khác đều cho thấy các bậc hào kiệt xưa giỏi dụng thơ làm vũ khí như thế nào và thơ ca có vị trí quan trọng ra sao trong dòng chảy lịch sử dân tộc. 

Những tác giả danh tiếng thời xưa từ Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... cho đến những nhà thơ cận đại sau này như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... và các nhà thơ hiện đại như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… tất cả đều có chỗ đứng trang trọng lâu dài trong lòng rất nhiều người dân Việt.

Thơ còn làm chất liệu để các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc vượt thời gian… Những ca khúc “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ những tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh, đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng. Nhạc sĩ Phú Quang cũng có nhiều ca khúc nổi tiếng phổ từ thơ như "Biển nỗi nhớ và em” phổ từ bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh, “Đâu phải bởi mùa thu” phổ bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Giáng Vân và bài “Em ơi Hà Nội phố phổ thơ” của Phan Vũ. “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật; ca khúc “Nổi lửa lên em” của nhạc sĩ Huy Du phổ từ bài thơ “Tiểu đội xe không kính” cũng của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Thơ ca luôn vang lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong mất mát, đau thương, hay niềm vui, hy vọng. Qua hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thơ ca dường như phát triển và nở rộ hơn. Trên các báo, tạp chí, thơ được đăng tải liên tục. Các tập thơ cũng được xuất bản đều đặn. Trên mạng xã hội, những vần thơ lan tỏa mạnh mẽ, có đời sống phong phú. Không chỉ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà những sinh viên, trí thức, người lao động… cũng bước vào thế giới này, mượn thơ để bày tỏ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình. Đặc biệt, có những bài thơ, chùm thơ, thậm chí có cả những trường ca về đề tài phòng, chống dịch COVID, nói về con người Việt Nam, bản lĩnh, thái độ sống, cách hành xử của mỗi người khi đối mặt với đại dịch. 

Thơ ra đời từ đòi hỏi của cuộc sống và đương nhiên thơ lại trở về với cuộc sống. Với những nhà thơ đích thực, mỗi câu thơ đều mang kinh nghiệm sống một đời, nó ẩn sâu bên trong từng con chữ. Điều này chứng tỏ thơ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người Việt và việc có một ngày hội tôn vinh thơ ở đất nước “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, yêu thi ca nhất nhì thế giới này là một sự độc đáo, riêng có.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Ngày Thơ - nét đẹp trong văn hóa Việt