Đất và người xứ Đông

Câu lạc bộ thơ cổ ở làng Mộ Trạch

BẢO ANH 30/09/2023 15:30

Trong nhà thờ tổ Vũ Công (còn gọi là nhà thờ Trường Xuân) ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương) hiện còn lưu giữ tấm bia ghi dấu sự ra đời của một câu lạc bộ thơ ra đời cách đây hơn 300 năm.

W_z4731382179334_c5d87a6db31167eb80e518c3c2919b12.jpg
Ông Vũ Xuân Ẩm, đời thứ 17 của dòng họ Vũ Công gìn giữ cẩn thận các tấm bia của dòng họ, trong đó có bia Trường xuân hiên thi

Bia Trường xuân hiên thi

Trong nhà thờ Trường Xuân, ông Vũ Xuân Ẩm, đời thứ 17 của dòng họ Vũ Công cẩn thận lau chùi 3 tấm bia đá dựng trang trọng trong khuôn viên nhà thờ. Ông giới thiệu, 1 trong 3 tấm bia này có một tấm nói về câu lạc bộ thơ do cụ Vũ Công Đạo làm chủ nhiệm.

Do không biết chữ nho nên phải đến khi ông Đặng Văn Lộc, nhà nghiên cứu Hán Nôm của tỉnh về tìm hiểu và kể lại, ông Vũ Xuân Ẩm mới biết trên bia đó khắc những bài thơ tiêu biểu của những trí thức, đa phần trong dòng họ Vũ Công ngâm vịnh. Cụ Vũ Công Đạo chính là người khởi xướng thành lập câu lạc bộ thơ này.

Theo ông Đặng Văn Lộc, theo văn bia Trường xuân hiên thi thì câu lạc bộ thơ do cụ Vũ Công Đạo làm chủ nhiệm có thể được thành lập từ năm 1699-1707, cách đây hơn 300 năm. “Trong vòng 8 năm hoạt động, câu lạc bộ có thể có nhiều bài thơ nữa chứ không phải chỉ có 9 bài in trên văn bia”, ông Ẩm suy đoán.

Trải qua thời gian, bia Trường xuân hiên thi đã mờ. Nhiều chữ không thể đọc được bằng mắt thường. Tuy nhiên, qua khảo cứu của các nhà Hán Nôm thì năm cụ Vũ Công Đạo về hưu cũng là lúc cụ vào tuổi thất thập đã thành lập câu lạc bộ thơ này. Cụ tập hợp người nhà, người trong dòng họ, làng xóm tổ chức những buổi bình thơ, họa thơ và do đó câu lạc bộ lớn dần.

W_bia.jpg
Trải qua thời gian, chữ trên bia Trường xuân hiên thi đã mờ

Thời nho học, hình thức xướng thơ trong giới trí sĩ khá phát triển. Nhờ đó, Câu lạc bộ Thơ Trường xuân hiên đã trở thành sân chơi bổ ích cho những người yêu thơ. Theo các tài liệu ghi lại trên văn bia thì tại buổi sinh hoạt thơ, người chủ xướng đọc một bài thơ thất ngôn, bát cú. Sau đó, chọn một vần chủ để mọi người họa theo, từ đó có rất nhiều bài thơ cùng một chủ đề ra đời.

Những bài thơ khắc trong bia phần lớn của các quan lại họ Vũ như: Hiến phó Vũ Giản Thân, Lang trung Vũ Công Tướng, Tham nghị Vũ Đăng Hiển, Tri phủ Vũ Công Tạo… ; chỉ có một nho sinh là Vũ Công Úy. Ông Lộc cho biết 9 bài thơ khắc trong bia Trường xuân hiên thi thuộc thơ cổ. Nội dung các bài thơ chủ yếu nói về chí khí của người quân tử, thưởng ngoạn thiên nhiên, răn dạy con cháu đời sau… Đặc biệt, những bài thơ họa vần ghi trong bia không trùng từ, trùng ý. Để làm được những bài thơ như vậy cần tài năng và có nhiều kiến thức, ngôn ngữ phong phú.

Chủ xướng tài hoa

Ông Ẩm tự hào khi giới thiệu sơ đồ phả của dòng họ Vũ Công và nhắc nhiều đến Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Trường xuân hiên là cụ Vũ Công Đạo. Ông Ẩm cho biết cụ Vũ Công Đạo sinh năm 1630, thuộc đời thứ 6 của dòng họ Vũ Công, trưởng nam của cụ Vũ Công Hành. Sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, cụ Vũ Công Đạo nổi tiếng thông minh, học giỏi. Cụ đỗ cử nhân khi mới 18 tuổi. Năm 1659, cụ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

W_nha-tho.jpg
Nhà thờ Trường Xuân nay là địa điểm xưa kia cụ Vũ Công Đạo tổ chức các buổi bình thơ

Trong Tộc phả họ Vũ (Võ), sách do Ban Liên lạc họ Vũ biên soạn từng chép, cụ là đại thần nhà Lê trung hưng và đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Sơn Tây sứ, Tán trị thừa chính sứ ti, Phó sứ, Phó đô ngự sử... Giỏi thơ phú nên lúc sinh thời cụ đã tự soạn bài văn tế cho chính mình: “Biết mấy mùa đi xứ thiên triều, mạng sống lê dân cải tử, hoàn sinh triệu lần tươi tốt. Bao nhiêu bận vì vua hiến kế, cơ đồ đất nước giữ gìn thịnh vượng muôn thuở bền vững”…

Cả cuộc đời của cụ gắn liền với nhiều hoạt động thơ phú và dạy học. Cụ có nhiều học trò thành danh như: Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, Thám hoa Vũ Thạnh, Hội nguyên Nguyễn Danh Dự… Vì thế, trong Tộc phả họ Vũ (Võ) ghi: “Bình sinh dạy học, đào tạo được lắm anh tài. Ông giỏi về thơ và có nhiều bài tự thuật về cuộc đời mình từ 18 đến 86 tuổi”.

Ông Vũ Quốc Ái, người ham tìm hiểu về lịch sử làng tiến sĩ cho biết hiện nay ở Mộ Trạch có rất nhiều bia đá có giá trị lịch sử, trong đó có bia Trường xuân hiên thi. Quê hương Mộ Trạch không chỉ nổi tiếng là đất có nhiều người ham học hỏi, giàu truyền thống khoa bảng mà đời sống tinh thần cũng rất phong phú. Ngày nay trong làng cũng có nhiều người yêu thích thơ văn và tích cực tham gia Câu lạc bộ Thơ Đường An của huyện Bình Giang.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu lạc bộ thơ cổ ở làng Mộ Trạch