Nhà văn Nguyễn Thành Phong công tác ở Báo Văn nghệ. Một hôm, vào cuối năm 1999, ông cụ thân sinh ra ủy ban xã, nhờ điện thoại gọi lên cho anh: "Phải về ngay, có việc hệ trọng".
Nhà văn Nguyễn Thành Phong công tác ở Báo Văn nghệ. Một hôm, vào cuối năm 1999, ông cụ thân sinh ra ủy ban xã, nhờ điện thoại gọi lên cho anh: "Phải về ngay, có việc hệ trọng".
Không hiểu xảy ra chuyện gì, anh vội về quê ngay, ở tận làng Phú La (huyện Đông Hưng, Thái Bình). Về đến nhà, thấy mấy anh họ, vốn là tay dao tay thớt mỗi khi nhà có việc, đang đứng ở sân. Nhưng trong nhà không thấy có khách. Chỉ có ông bố ngồi ở bàn nước, nét mặt đăm chiêu, chờ anh. Ông hỏi: "Có phải anh bị kỷ luật, cách chức phải không?". Nguyễn Thành Phong thưa: "Dạ, có..., nhưng...". Ông cụ cáu: "Nhưng, nhưng cái gì? Dân làng đồn ầm cả lên". Rồi anh bình tĩnh kể lại sự việc.
Chả là đầu năm đó, tờ Văn nghệ trẻ, phụ trương của báo Văn nghệ, có sơ suất đăng một truyện ngắn. Nguyễn Thành Phong phụ trách tờ báo ấy, bị cách chức và thu thẻ nhà báo 6 tháng. Nhưng chỉ 3 tháng, lãnh đạo xem xét lại, đã trả lại thẻ nhà báo cho anh và bổ nhiệm anh giữ chức Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ, chức vụ thì tương đương nhưng công việc quan trọng hơn so với tờ phụ trương. Ngoài việc làm báo, thời gian này, Nguyễn Thành Phong còn viết sách và giành nhiều giải thưởng báo chí, văn học. Những tin tức này, ở quê nhà không ai hay.
Nghe rõ câu chuyện, ông cụ mới thở phào. Bấy giờ, mấy anh em ở ngoài sân mới hỏi cụ: "Chú ơi, thế nào hả chú?". Ông cụ nhớ ra, nói dứt khoát: "Cắt tiết, làm đi!". Thì ra ở góc sân, một con cầy tơ đã xích, gần đó là cái nia, trên để con dao, cái bát...
Nguyễn Thành Phong nhớ lại chuyện cách đây đã hơn 18 năm: "May mà mình được minh oan, hôm ấy lại được ăn bữa thịt chó ngon lành".
VƯƠNG BẠCH(st)