Góc nhìn

Thiếu hụt sức khỏe tinh thần

MINH ANH 07/04/2024 05:15

Ngày sức khỏe thế giới 7/4 hằng năm là cơ hội để các quốc gia, cộng đồng, các tập thể, cá nhân chú ý nhiều hơn tới sức khỏe tinh thần.

00:00

img_4909.jpg
Thường xuyên chơi thể thao, tập thể dục là cách để có sức khỏe tinh thần, thể chất tốt (ảnh tư liệu)

Tôi có hai người bạn ở quê, đều làm công nhân gần 20 năm nay. Mỗi khi về quê, chúng tôi lại ngồi hàn huyên đủ chuyện. Một người bạn của tôi làm công nhân mỏ than ở Quảng Ninh, người còn lại làm công nhân trong một công ty may ở gần nhà. Hơn 20 năm về trước, kinh tế gia đình bố mẹ của hai người bạn cũng khá tương đồng, ở mức trung bình. Về cơ bản, cả 2 người bạn tôi đều phải tự lập là chính.

Điều làm tôi ngạc nhiên là người bạn làm công nhân mỏ than phải lao động vất vả hơn, thu nhập cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với người kia song người này vui vẻ với công việc mình làm, có suy nghĩ tích cực. Ngược lại, người bạn làm công nhân may thường xuyên than phiền vì công việc nhàm chán, thu nhập không như mong đợi, luôn muốn chuyển sang doanh nghiệp khác. Để giải sầu, người bạn này tìm đến những cuộc vui với bia rượu, bài bạc, game…

Gần 20 năm đi làm, gia đình bạn công nhân mỏ than đã mua được đất ở Quảng Ninh, xây nhà 2 tầng, có 2 cháu nhỏ, sống hạnh phúc. Còn người bạn làm công ty may đã chuyển tới gần 10 doanh nghiệp khác nhau nhưng không dành dụm được gì, vẫn ở nhà bố mẹ già. Bạn từng lấy vợ nhưng người vợ chán nản vì ông chồng lúc nào cũng cáu kỉnh nên đã ly hôn. Mỗi khi gặp lại người bạn này, tôi thấy cám cảnh cho bạn vì không có được một tinh thần khỏe mạnh như người bạn làm công nhân mỏ than.

Mỗi người đều chiêm nghiệm ở xung quanh mình những cuộc đời thành công, thất bại, vui vẻ, buồn bã… liên quan đến sức khỏe tinh thần. Nhiều người sinh ra trong những gia đình khó khăn, không may mắn nhưng họ lại có một ý chí, tinh thần khỏe khoắn, biết vượt qua thử thách để vươn tới thành công, hạnh phúc. Ngược lại, có những người sinh ra trong gia đình giàu sang, phú quý lại ỷ lại, bạc nhược.

Cách đây hơn 1 năm, đại diện Bộ Y tế đã cung cấp một con số làm nhiều người giật mình: Gần 15 triệu người Việt Nam bị rối loạn tâm thần, chiếm gần 15% số dân. Lưu ý, trong số này thì số người bị tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên) chỉ chiếm 0,47% số dân; người bị trầm cảm, lo âu chiếm 5-6% số dân, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng bia rượu, ma túy, chất gây nghiện khác, rối loạn cảm xúc lưỡng cực...

Số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, mỗi năm, bệnh lo lắng, trầm cảm trên toàn cầu làm mất khoảng 12 tỉ ngày làm việc, gây thiệt hại 1.000 tỷ USD về năng suất lao động, bằng gần một nửa GRDP của nước Brazil, hơn 2 lần GDP của Việt Nam trong năm 2023.

Không chỉ làm giảm năng suất lao động, người mắc các chứng bệnh tinh thần còn có thể hủy hoại bản thân, làm liên lụy, thậm chí gây tai họa cho gia đình, cộng đồng. Một số người nghiện ma tuý dẫn đến giết người, cướp của. Bao người giải sầu bằng bia rượu gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc…

Ngày sức khỏe thế giới 7/4 hằng năm là cơ hội để các quốc gia, cộng đồng, các tập thể, cá nhân chú ý nhiều hơn tới sức khỏe tinh thần. Không giống nhiều nước phát triển, ở Việt Nam, hệ thống y tế được tổ chức vẫn nghiêng về khám chữa các bệnh thể chất, chưa chú ý đúng mức tới các bệnh tinh thần.

Chăm lo, bảo vệ sức khỏe thể chất không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà của cả hệ thống chính trị và từng người, từng gia đình. Chỉ khi ở cấp vi mô và vĩ mô, mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, luôn nỗ lực rèn luyện, bảo vệ, phát triển sức khỏe tinh thần thì khi ấy mới có được những con người khỏe, cộng đồng khỏe, đất nước khỏe để phát triển bền vững, văn minh, hạnh phúc.

MINH ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu hụt sức khỏe tinh thần