Những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2023 đang kéo theo nhu cầu bất động sản (BĐS) tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… tạo đà phục hồi.
Giao dịch tăng
Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường BĐS Việt Nam quý III/2023 và dự báo tình hình thị trường quý IV/2023” của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) vừa hoàn thành chỉ rõ, thanh khoản trên thị trường bất động sản trong quý III/2023 đã được cải thiện so với giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và những tháng đầu năm nay, nên thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều "điểm sáng", nhất là tại các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… nơi được thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi là "điểm sáng" của nền kinh tế thế giới đang trong bối cảnh suy yếu, biến động khó lường. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng với xu hướng tích cực, GDP quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công, tổng mức bán lẻ hàng hóa nội địa, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả khả quan, tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Hơn thế nữa, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt, dao động từ 6,7% đến 10%, tiệm cận về mức đầu năm 2022, giảm từ 0,4% đến 3,5% so với cuối quý II/2023. Đây là mức lãi suất thuận lợi cho người mua nhà. Mua nhà để ở trong giai đoạn này sẽ tận dụng được tối ưu những lợi thế về tín dụng và mặt bằng giá cả.
Còn theo khảo sát gần đây của Hội môi giới BĐS Việt Nam (Vars), có tới 60% số nhà đầu tư đã tham gia thị trường BĐS trước đó sẽ tiếp tục đầu tư nếu lãi suất tiếp tục giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn, tính toán, khai thác các gói vay tài chính cho các tài sản “gửi gắm”, chứ không đầu tư toàn bộ vào kênh BĐS.
Thực tế từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS đã có gần 20 văn bản dưới luật liên quan được các cơ quan Chính phủ ban hành, với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với chiến lược nhà ở của quốc gia. Nhờ vậy, hàng trăm dự án dần được tháo gỡ, tái khởi động trở lại, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường.
Thống kê của Vnrea cho biết, tuy thị trường chưa đủ lực để “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian với nhiều hơn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường. Nếu quý II/2023, thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý I, quý III thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.
"Chạy đà"
Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, thị trường BĐS nhà ở các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm. Phân khúc đất nền chưa có tín hiệu tích cực nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng ở loại hình đất đấu giá. Để đảm bảo chu kỳ tăng trưởng của các thị trường, Vnrea kiến nghị, cần có các cơ chế, chính sách cải thiện nguồn cung cho thị trường, vì nguồn cung vẫn đang bế tắc, mới chỉ có khoảng 10% dự án được tháo gỡ.
"Chính sách về nhà ở cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội (NOXH) cần thay đổi phù hợp hơn, NOXH không phải là bán cho người giàu, nhưng cần hướng đến cả những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy, nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại hiện có giá bán ở ngưỡng cao", ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần G-Homes chia sẻ.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Vnrea nhận định, nhu cầu ở thật đang tăng cao và chắc chắn sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa... ở các địa phương có kinh tế phát triển đa dạng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Dự kiến tại Diễn đàn BĐS được tổ chức vào cuối năm 2023, Vnrea sẽ công bố các chỉ số BĐS, là cơ sở để các nhà phát triển dự án tham chiếu, để khi dự án hình thành có thể đáp ứng được từ 60 - 70% nhu cầu thực tế, đảm bảo các yêu cầu để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn sẽ được tháo gỡ khi các luật liên quan đến thị trường và kinh doanh BĐS được Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp Quốc hội tới, niềm tin của nhà đầu tư quay lại thị trường chính là yếu tố cuối cùng cần giải quyết để thị trường thật sự trở về trạng thái bình thường. Thị trường BĐS quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự phục hồi thị trường từ năm 2024, đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao...", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Theo báo Tin tức