Chiều 12.10, Trung tâm phòng chống doping Việt Nam đã thông báo cho lãnh đạo ngành thể thao về 3 trường hợp mới có kết quả mẫu A dương tính với doping. Trong đó có 1 VĐV nam và 2 VĐV nữ. Một tháng trước đó đã có hai trường hợp tương tự.
Trong số này có 1 nam và 4 nữ, đều thuộc đội tuyển điền kinh. Một người lần đầu giành HCV và 1 người không chỉ giành HCV SEA Games 31 mà từng đạt thành tích cao ở đấu trường châu Á.
Do là chủ nhà, Việt Nam có thể ghép kết quả mẫu xét nghiệm với tên tuổi của các VĐV để xác định danh tính. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thể thao không công bố mà chờ quyết định chính thức từ Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA.
Hiện các VĐV Việt Nam nghi nhiễm đã yêu cầu làm xét nghiệm mẫu B. Dự kiến, phòng xét nghiệm Thái Lan sẽ thực hiện điều này trong tháng 11. Đây sẽ được xem là căn cứ cuối cùng để xác định VĐV có hay không dính doping. Theo các nghiên cứu trước đây, Việt Nam hầu như không thể lật ngược tình thế, vì các cuộc xét nghiệm đều lấy từ một mẫu.
Các VĐV có mẫu A dương tính cũng đã làm tường trình. Họ cho biết không cố tình dùng chất kích thích, mà có thể do ăn uống hoặc dùng thuốc kháng sinh khi ốm. Các VĐV này chưa bị tước quyền thi đấu ở Đại hội thể thao toàn quốc vào giữa tháng 12, nhưng không có tên trong danh sách được nhận đầu tư để hướng tới ASIAD 2023 và Thế vận hội mùa hè 2024. Các VĐV này cũng đối mặt với án phạt tước HCV SEA Games và cấm thi đấu dài hạn.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "Công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương... Đa số trường hợp này đều khẳng định họ thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu.
Theo VnExpress