Vài tháng trước khi Olympic Paris 2024 khởi tranh, hai cường quốc thể thao là Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra tranh cãi dữ dội vì doping.
Mọi chuyện bắt đầu từ thông tin Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) giữ bí mật chuyện 23 vận động viên (VĐV) bơi của Trung Quốc dương tính với doping nhưng được cho phép dự Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021).
Cụ thể, vài tháng trước kỳ đại hội này, nhóm kình ngư nói trên được phát hiện trong người có chất cấm Trimetazidine (TMZ). Phía Trung Quốc chứng minh được các VĐV của mình dương tính vì vô tình ăn phải thức ăn "nhiễm độc" nên WADA không ban hành án cấm. Danh tính 23 VĐV này không được công bố. Nhưng theo New York Times, nhiều người trong số họ đã giành huy chương.
Điều gây tranh cãi là WADA giữ bí mật hoàn toàn chuyện này, khiến nhiều người nghi ngờ tổ chức này làm ăn gian dối.
Khi câu chuyện được đưa lên báo chí Mỹ vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên tiếng mạnh mẽ. Ông Bân cho biết: "Những báo cáo được đưa ra hoàn toàn bịa đặt và không dựa trên sự thật. Những VĐV bơi lội Trung Quốc không có lỗi và cũng không phạm tội sơ suất. Hành vi của họ không cấu thành nên tội vi phạm quy chế về doping".
Chủ tịch Cơ quan Phòng chống doping Mỹ (USADA) Travis Tygart thì kêu gọi sự minh bạch đến từ WADA. Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Tygart cho biết: "Toàn bộ vụ việc là bi kịch với những VĐV trong sạch. Họ (WADA) cần thông báo về chuyện này, cần phải loại các VĐV vi phạm".
WADA cũng lập tức đáp trả phía Mỹ khi Chủ tịch Witold Banka đưa ra phát ngôn chính thức: "Chúng tôi không tìm ra bất kỳ bằng chứng về việc các VĐV này vi phạm. WADA luôn tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình làm việc và điều tra một cách cần mẫn. Nếu chuyện này có xảy ra lần nữa, chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự". Ông Banka cũng khẳng định các kình ngư Trung Quốc hoàn toàn vô tội và không có ai cố tình sử dụng doping.
Câu chuyện này chắc chắn sẽ còn gây tranh cãi liên tục từ giờ cho đến khi Olympic 2024 khởi tranh. Trong quá khứ, bơi lội Trung Quốc từng không ít lần vướng vào lùm xùm với doping. Vụ việc điển hình gần đây nhất là chuyện kình ngư nổi tiếng Sun Yang bị cấm thi đấu 8 năm (sau được giảm còn 4 năm) do tìm cách phá hủy các mẫu thử doping.
TB (theo Tuổi trẻ)