Phần lớn trong gần 24.000 người thiệt mạng trong trận động đất là do bị chôn vùi khi nhà đổ sập. Điều này khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ đặt câu hỏi tại sao nhà cửa ở một quốc gia thường xuyên chịu động đất lại có chất lượng xây dựng kém tới mức dễ dàng sập xuống sau những rung chấn đầu tiên.
Các chuyên gia cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra nhiều quy định về xây dựng để giảm thiểu thiệt hại do động đất, song các công ty xây dựng thường chỉ áp dụng những quy định này một cách qua loa. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 12.141 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng sau trận động đất.
Mustafa Erdik, giáo sư tại Đại học Bogazici ở Istanbul, cho biết trận động đất quá dữ dội, nên thiệt hại là không tránh khỏi, song lẽ ra tình hình không đến mức tồi tệ như hiện nay. Ông cho rằng ngay cả khi một tòa nhà bị đổ, người dân vẫn có những không gian nhất định để ẩn nấp chờ đợi đội cứu hộ. Nhưng trong trận động đất lần này, các tòa nhà đều "sập xuống như giấy".
"Các tầng trong tòa nhà sập đè lên nhau", ông Erdik nói, thêm rằng điều này đồng nghĩa khả năng tìm thấy người sống dưới đống đổ nát là rất mong manh.
Zihni Tekin, chuyên gia tư vấn tại Đại học Kỹ thuật Istanbul, cho rằng nguyên nhân các tòa nhà Thổ Nhĩ Kỳ đổ sập hoàn toàn trong động đất thường liên quan đến chất lượng bê tông kém, chủ yếu do bị trộn với quá nhiều cát sỏi nhưng lại ít xi măng.
Một lý do nữa là thép dùng để đúc cột trụ quá nhỏ, khiến kết cấu của tòa nhà thiếu vững chắc, Tekin nói thêm. Chuyên gia này cũng cho rằng các kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ thiếu trình độ, kém chuyên môn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Chính quyền các địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã nới lỏng quy định xây dựng. Quy định xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ từng dựa theo tiêu chuẩn ở California, Mỹ và được sửa đổi thường xuyên từ khi xảy ra trận động đất năm 1999 ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Bản sửa đổi gần nhất là vào năm 2018.
"Trên giấy tờ, các tiêu chuẩn được đề cao, với các hợp đồng xây dựng được giao cho những công ty tư nhân thẩm tra", kiến trúc sư Aykut Koksal ở Istanbul cho biết. Tuy nhiên, Koksal cho hay quá trình kiểm tra, giám sát thi công còn lỏng lẻo, khiến thợ thi công có thể không tuân thủ quy định.
Giáo sư Erdik cho hay quy trình cấp phép xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ còn quan liêu, rườm rà, đến mức rất khó xác định ai là bên chịu trách nhiệm cuối cùng. Ông khuyến nghị nên áp dụng chính sách bảo hiểm với tất cả các bên tham gia vào quá trình xây dựng, để đảm bảo nhà thầu mắc sai sót phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân khi sự cố xảy ra.
"Thế giới đã làm như vậy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nên thế", ông nói.
Sự cẩu thả của một số nhà thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thổi bùng cơn thịnh nộ, đặc biệt là khi những căn hộ cao cấp được xây dựng chưa đầy 20 năm ở nước này cũng đổ sập như quân bài domino trong trận động đất.
Nhiều người hy vọng sau trận động đất này, công tác giám sát xây dựng sẽ được cải thiện. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết sẽ tái thiết khu vực chịu ảnh hưởng từ trận động đất trong vòng một năm.
Ngoài những tòa nhà cao tầng, Erdik quan tâm hơn tới những công trình dưới 10 tầng, do các công ty nhỏ hoặc gia đình tự xây dựng. Kể từ sau trận động đất, Erdik liên tục nhận những cuộc gọi từ các đơn vị vận hành tòa nhà đề nghị khẩn trương đánh giá chất lượng công trình của họ.
Theo VnExpress
>>> Đội cứu hộ Việt Nam tiếp cận vị trí người bị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ