Hiện tại, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thực sự can thiệp quân sự vào Israel vẫn là một câu hỏi mở.
Theo nhận định của tờ Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 1/8, những phát biểu gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan về việc có thể hành động quân sự chống Israel đã gây ra sự quan tâm lớn và làm dấy lên những câu hỏi về khả năng xung đột giữa hai quốc gia này.
Được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và những chỉ trích mạnh mẽ đối với chính sách của Israel đối với người Palestine, lời nói của Tổng thống Erdoğan đã khiến nhiều người tự hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự dự định đưa quân vào Israel hay không.
Tổng thống Erdoğan đã so sánh khả năng can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào tình hình Israel với các chiến dịch quân sự trước đây ở Karabakh và Libya. Ông cho biết, giống như cách Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp ở các khu vực khác, hành động chống Israel cũng không phải là điều không thể. Tuy nhiên, so sánh này không hoàn toàn chính xác. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không trực tiếp tiến vào Karabakh mà chỉ hỗ trợ các hoạt động của Azerbaijan, còn ở Libya, động thái can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu liên quan đến hỗ trợ chính quyền được Liên hợp quốc công nhận.
Tờ Sabah cho rằng những phát biểu của ông Erdoğan phản ánh sự thất vọng khi không thể ngăn chặn các hành động của Israel đối với người Palestine. Kể từ tháng 10 năm ngoái, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công khiến gần 40.000 người Palestine thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực để ngăn chặn những hành động này thông qua các biện pháp ngoại giao, cung cấp viện trợ nhân đạo và kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài.
Mới nhất, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/8, ông Erdoğan nói rằng chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục cho thấy họ không muốn ngừng bắn và hòa bình, thể hiện sự thất vọng và sự phẫn nộ của Thổ Nhĩ Kỳ về vụ ám sát nhằm vào lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh, trưởng đoàn đàm phán của phía Palestine trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza. Ông Erdoğan lưu ý rằng vụ ám sát đã giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực ngừng bắn và Tel Aviv muốn lan truyền bạo lực ở Gaza trên khắp khu vực.
Phản ứng mạnh mẽ từ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ can thiệp quân sự đã làm dấy lên lo ngại trong chính quyền Israel. Phản ứng của chính quyền Israel đối với các phát biểu từ ông Erdoğan đã rất quyết liệt. Các quan chức Israel đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về cáo buộc "diệt chủng" người Kurd và ủng hộ Hamas. Bộ trưởng Ngoại giao Israel thậm chí gợi ý rằng NATO nên trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ. Những phản ứng này cho thấy chỉ ám chỉ về can thiệp cũng đủ để làm dấy lên lo ngại trong nội bộ chính quyền Israel.
Mặc dù những phát biểu của ông Erdoğan có thể bị hiểu là đe dọa tấn công quân sự, nhưng chúng có thể chỉ là một phần trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ người Palestine và tạo sự đoàn kết quốc tế. Tổng thống Erdoğan dường như đang cố gắng tạo ra đoàn kết quốc tế xung quanh vấn đề Palestine và nhấn mạnh cần thiết phải có một mặt trận thống nhất chống các hành động của Israel.
Hiện tại, theo tờ Sabah, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thực sự can thiệp quân sự vào Israel là rất thấp. Những hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ chủ yếu nhằm mục đích tự vệ và chống các mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia.
Do đó, những phát biểu của ông Erdoğan, dù có thể khiến một số người lo lắng, nhưng chúng chủ yếu phản ánh sự tức giận và thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình hiện tại và mong muốn tạo ra sự đoàn kết quốc tế. Việc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự thực sự chống lại Israel hay không vẫn là một câu hỏi mở, nhưng thời điểm này, can thiệp quân sự vẫn chưa phải là một kịch bản khả thi.