Grand Bazaar ở Istanbul là chợ lâu đời trên thế giới, sầm uất với 4.000 gian hàng. Theo quy định của đạo Hồi, các tiểu thương ở đây đều là đàn ông.
Grand Bazaar là khu chợ cổ xưa nhất Thổ Nhĩ Kỳ cũng như trên thế giới, xây dựng năm 1455, hoàn thành sau 6 năm. Tên gọi này theo tiếng địa phương có nghĩa là chợ trong nhà. Vào thế kỷ XVII, chợ được mở rộng như ngày nay để đáp ứng nhu cầu mua sắm. Dưới thời Ottoman, chợ rất sầm uất, là điểm giao thương quan trọng vùng Địa Trung Hải.
Chợ là điểm tham quan hút du khách khi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Khách vào Grand Bazaar qua 21 cổng, điêu khắc những hoa văn tinh xảo. Không khí mua bán tấp nập ngay từ cổng chợ đến các con phố xung quanh.
Ban đầu, chợ được xây dựng bằng gỗ trong thế kỷ XV, XVI. Sau khi đối mặt nhiều vụ hỏa hoạn, nơi buôn bán này được xây lại bằng đá và gạch. Hiện chợ có diện tích 48.000 m2, hệ thống mái vòm cao hơn 5 m trang trí hoa văn đậm nét truyền thống và treo nhiều cờ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo CNN, gần 50 triệu người đã vào khu chợ nổi tiếng này mỗi năm. Trong mùa cao điểm, chợ đón khoảng nửa triệu lượt khách mỗi ngày. Vì rất đông đúc và rộng lớn nên du khách đi theo đoàn khi tham quan chợ cần quan sát để không bị lạc nhau.
Mỗi dãy trong chợ bày bán một mặt hàng riêng biệt, giúp khách dễ dàng tìm kiếm thứ mình cần. Đặc điểm độc đáo ở khu chợ là các tiểu thương đều là nam giới. Điều này xuất phát từ quan niệm trong đạo Hồi, buôn bán không phải công việc dành cho phụ nữ.
Các món hàng trong chợ chủ yếu là vàng, đồ trang sức, da, lông thú, bánh kẹo, đèn, quần áo, trà, gia vị. Mỗi gian hàng có diện tích khoảng 30 - 50 m2, bày biện đẹp mắt với nhiều màu sắc, hoa văn trang trí riêng theo từng tiểu thương.
Nam thương nhân trong chợ thường đứng ngoài quầy, liên tục mời chào, cầm hàng hóa cho du khách dùng thử. Tiểu thương thân thiện, niềm nở, luôn tư vấn nhiệt tình khi khách xem hàng.
Nhiều gian hàng bày bán đèn treo Thổ Nhĩ Kỳ rực rỡ sắc màu, đa dạng về hình dáng, kích thước. Giá đèn dao động tuỳ vài trăm đến gần 10 triệu đồng mỗi chiếc.
"Đèn không chỉ chiếu sáng, trang trí mà còn là nét văn hoá đặc sắc của đất nước. Tôi rất vui khi có nhiều khách du lịch tham quan và mua đèn về làm kỷ niệm", ông Ali Kilic, chủ một tiệm đèn cho biết.
Thảm cũng là đặc sản nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ với đủ kiểu dáng phong phú được bày bán trong chợ. Giá cả phụ thuộc vào kích thước, chất liệu như cotton, tơ lụa hoặc cách làm thủ công hay công nghiệp.
Nhiều đồ lưu niệm như túi, móc khóa, ly, đĩa, tượng phong phú bán ở hầu hết các gian hàng.
Chợ mở cửa từ 9 - 19 giờ mỗi ngày, trừ chủ nhật và luôn đông đúc du khách. Vì giá cả không được niêm yết cụ thể nên khách cần mặc cả để mua được hàng hóa giá tốt nhất.
Bao quanh chợ có hàng chục khu phố cũng thường xuyên có nhiều người dân, du khách đi bộ tham quan. Đường phố khu vực này khá nhỏ hẹp, sầm uất đủ mặt hàng.
Ngoài tham quan mua sắm trong chợ, du khách đến khu buôn bán cổ xưa này cũng có thể chọn tour lên mái chợ, từ đây ngắm bao quát toàn cảnh Istanbul và vùng tiếp giáp Á-Âu từ một góc nhìn mới.