Chiều 9.8, các y bác sĩ làm việc tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có trường hợp chi từ 5 đến 7 triệu đồng một ngày để hút bóng cười hoặc cần sa và phải nhập viện tới 3 lần.
Thời gian qua, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân là thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần do sử dụng và lạm dụng các chất nicotine trong thuốc lá điện tử, uống rượu, hút cần sa, bóng cười và các loại ma túy tổng hợp khác.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân đến khám, trong đó có hàng chục trường hợp là thanh thiếu niên bị rối loạn thâm thần do sử dụng và lạm dụng rượu, chất nicotine trong thuốc lá điện tử, shisha, hút cần sa, bóng cười và các loại ma túy tổng hợp khác.
Người trẻ hút bóng cười
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, việc sử dụng các chất gây nghiện ở người trẻ tuổi làm khiếm khuyết về cấu trúc của não, gây suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác.
“Có trường hợp nữ thanh niên 23 tuổi sử dụng bóng cười với số tiền 5-7 triệu đồng/ngày. Bệnh nhân rất hiểu biết về bóng cười, sau khi sử dụng còn thuê nhân viên y tế đến truyền vitamin B12 để bù đắp sự thiếu hụt. Tuy nhiên, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng thiếu máu hồng cầu to, do tác hại của bóng cười. Khi mẹ của bệnh nhân đưa con đến nhập viện, bệnh nhân còn nói là hút bóng cười đã bị cấm đâu mà đưa bệnh nhân đi điều trị” - Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà chia sẻ.
Đáng báo động là phần lớn thanh thiếu niên nhập viện đều sử dụng cùng lúc nhiều chất gây nghiện, khiến việc điều trị gặp khó khăn. Nếu mức độ lệ thuộc lớn, bệnh nhân sẽ phải cai nghiện bằng các chất thay thế. Theo Thạc sĩ Bùi Văn Toàn, phòng tư vấn điều trị tâm lý, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, những thanh thiếu niên này thường bị stress - căng thẳng thần kinh nên đã tìm đến các chất gây nghiện để giải tỏa tinh thần, sau đó bị lệ thuộc và ngày càng tăng liều dùng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
“Lứa tuổi của các em đang muốn tự khẳng định cái tôi và muốn chứng minh rằng mình đã trưởng thành. Trong khi đó, gia đình không giám sát hoặc không cương quyết ngay từ đầu khi các em tìm đến các chất gây nghiện và các em nghĩ rằng mình lớn rồi và có quyền quyết định”.
Các bác sĩ cũng lưu ý, kể cả sau khi điều trị thành công thì khả năng thanh thiếu niên tái sử dụng chất gây nghiện cũ hoặc chất khác sẽ cao hơn bình thường nên các bậc phụ huynh cần giám sát, quản lý, giúp đỡ con em mình vượt qua nguy cơ đó.
Theo VOV