Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp trong cải cách hành chính, xây dựng hạ tầng công nghiệp, thời gian qua huyện Thanh Miện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư.
Đến nay, Thanh Miện đã thu hút 254 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, da giày, đồ chơi... Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH GG Hải Dương gấp rút hoàn thiện đơn hàng đầu năm
Do đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), huyện Thanh Miện đã thu hút được nhiều DN về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tục nhanh
Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam chuyên sản xuất cần câu cá, quy mô 1 triệu sản phẩm/năm. Năm 2018, công ty đầu tư xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp (CCN) Đoàn Tùng. DN nhận được sự hỗ trợ tích cực của địa phương trong giải phóng mặt bằng (GPMB) và thủ tục hành chính nên đã nhanh chóng triển khai xây dựng nhà máy kịp tiến độ, đi vào hoạt động đầu năm 2020. UBND huyện Thanh Miện còn chủ động cung cấp địa chỉ email, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh mới nhất đến công ty, hỗ trợ thống kê số liệu và thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% công nhân, lao động... “Trong năm 2020-2021, sản lượng cần câu tiêu thụ của công ty có bước tăng đáng kể, khoảng 100.000 sản phẩm/tháng. Hiện công ty có 500 công nhân, lao động, tăng 300 lao động so với ban đầu, mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng”, ông Tseng Chi Kai, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam cho biết.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, năm 2021, công tác GPMB và cải cách thủ tục hành chính là 2 trong 3 phần việc đột phá được UBND huyện Thanh Miện chú trọng và thực hiện hiệu quả.
UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường, GPMB đối với các dự án, công trình phải thu hồi đất. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB đối với các dự án, công trình đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Trong năm 2021, huyện đã hoàn thành xong công tác GPMB, lập hồ sơ trình UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất 12 dự án, công trình với tổng diện tích hơn 16,6 ha. Hiện nay huyện tập trung GPMB 13 dự án, công trình với tổng diện tích hơn 196ha. Trong đó có 2 dự án đã thu hồi 100% diện tích, 5 dự án thu hồi được từ 45 - 98% diện tích.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ phận "một cửa" huyện tiếp tục được đầu tư cải tạo, mở rộng, có nhiều thiết bị mới, hiện đại đáp ứng yêu cầu công việc... Trong năm 2021, 98,4% số hồ sơ được huyện tiếp nhận và trả trước hạn, 1,6% trả đúng hạn, chỉ có 0,01% trễ hạn. Số lượng hồ sơ nhập phần mềm trực tuyến của Thanh Miện cao thứ 2/12 đơn vị cấp huyện...
Giai đoạn 2021-2025, huyện Thanh Miện phấn đấu lấp đầy 100% cụm công nghiệp Ngũ Hùng-Thanh Giang
Chú trọng xây dựng hạ tầng công nghiệp
Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Thanh Miện, thời gian qua địa phương chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Hệ thống hạ tầng phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp còn thiếu... Toàn huyện hiện có 254 DN được thành lập và đang hoạt động nhưng chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc, lắp ráp đồ chơi...
Để khắc phục những hạn chế này, tiếp tục hút các nhà đầu tư trong giai đoạn tới, Huyện ủy Thanh Miện vừa thông qua Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19.3.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện thành lập thêm CCN Tứ Cường và CCN Tứ Cường-Chi Lăng Bắc; thu hút từ 10-12 dự án đầu tư vào các CCN được thành lập.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Đồng Dũng Mạnh cho biết: “Trong thu hút đầu tư, huyện có quan điểm rõ ràng là phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, bền vững. Huyện kiên quyết từ chối các dự án có hàm lượng công nghệ thấp, lạc hậu, ô nhiễm môi trường...”.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, huyện tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 của huyện. Phối hợp hoàn thành công tác GPMB để UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trục Đông-Tây tỉnh Hải Dương (phần dự án nằm trên địa bàn huyện). Hoàn thành việc xây dựng cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trọng điểm của huyện đang triển khai thực hiện như tuyến vành đai phía đông bắc thị trấn Thanh Miện; tuyến đường huyện Bình Xuyên-Ngô Quyền-Tân Trào; tuyến đường huyện Cao Thắng-Tiền Phong... Quan tâm hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, GPMB, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN…
Đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Miện đã có 4 CCN được thành lập với tổng diện tích 178,53 ha. 16 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư vào các CCN, trong đó 2 dự án có vốn đầu tư trong nước, 14 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án khoảng hơn 4.000 tỷ đồng). Tổng số lao động dự kiến thu hút vào làm việc khoảng 33.000 người. Tỷ lệ lấp đầy các CCN đến nay đạt 74,27%, trong đó 2 CCN Đoàn Tùng và Cao Thắng đã được lấp đầy 100%. Huyện đang đề nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt 2 CCN với tổng diện tích khoảng 110 ha. Đặc biệt, Thanh Miện có khoảng 2.000 ha được tỉnh quy hoạch nằm trong khu công nghiệp động lực của tỉnh. |
MAI LIÊN-ĐỖ QUYẾT