Càng gần đến ngày Tết Trung thu, tôi lại càng day dứt với câu hỏi ấy.
Theo truyền thống thì ngày Tết Trung thu là ngày Tết của thiếu nhi, còn gọi là ngày Tết trông trăng. Ngày xưa khi cuộc sống còn thiếu thốn, trẻ em chúng tôi rất háo hức chờ ngóng Tết Trung thu. Bởi cả năm, ngoài dịp Tết Nguyên đán thì chỉ đến dịp này trẻ em mới được nhận quà, thường là những món đồ chơi mong ước, được ăn bánh, kẹo, đặc biệt là những loại bánh đặc trưng chỉ có vào dịp Tết Trung thu như bánh nướng, bánh dẻo. Các gia đình dù có hay không có điều kiện cũng cố sắm hay ra vườn hái cho con một mâm cỗ Trung thu dù đơn giản với những đồ dễ kiếm theo mùa như bưởi, hồng, na, chút cốm, sang hơn là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo... Từ trước Tết Trung thu cả tháng, lũ trẻ đã nhặt nhạnh hạt bưởi để tách rồi phơi xâu thành từng xâu dài đợi đến đúng ngày rằm sẽ đốt. Những xâu hạt bưởi khô cháy lách tách bắn ra những tia lửa như những chùm pháo hoa. Đồ chơi thời nghèo khó cũng ít, chỉ là chiếc đèn ông sao nhỏ, chiếc mặt nạ bằng giấy... Dù nhiều thiếu thốn nhưng cảm giác háo hức lắm. Và khi ấy, Tết Trung thu thực sự chỉ là của trẻ nhỏ.
Ngày nay, cuộc sống đủ đầy hơn nên trẻ em được quan tâm hơn. Không chỉ được bố mẹ, ông bà mua sắm cho đủ thứ đồ chơi, gia đình nào cũng có thể sắm một mâm cỗ Trung thu đầy đủ chả thiếu thứ gì mà cảm tưởng như trẻ đang có phần "bội thực" trong dịp Tết Trung thu này. Từ trường học cho đến khu dân cư, thậm chí cơ quan của bố, của mẹ đều tổ chức đêm hội trăng rằm cho các cháu. Ở trường học, việc tổ chức Tết Trung thu sẽ là một hoạt động ngoại khóa ý nghĩa, giúp cho tình bạn cùng lớp, cùng trường thêm gắn kết. Về khu dân cư, các cháu lại được vui cùng bạn bè ở xóm, khu... Những ngày này, đi tới rất nhiều khu dân cư ở thành phố, thị trấn, thậm chí về các làng quê cũng có thể thấy người ta chăng đèn kết hoa, đặc biệt là thuê hoặc tự làm những chiếc đèn ông sao dài cả mét. Rồi tiếng nhạc, tiếng trống, chiêng của những đoàn múa lân rộn rã khắp nơi.
Điều đáng nói là hoạt động của nhiều đội múa lân đã bị biến tướng thành những hành động xin tiền. Đã có những đội lân xông vào tận cửa, thậm chí vào tận bên trong các cửa hàng kinh doanh để xin tiền gia chủ và khách hàng. Nếu được cho thì họ vui vẻ gióng trống khua chiêng. Nhưng không được cho thì buông những lời khó nghe, có khi còn khua chiêng trống inh ỏi làm chói tai, ảnh hưởng tới bầu không khí yên tĩnh khiến nhiều người già đau đầu, mệt mỏi, trẻ em thì không thể yên tĩnh để chú tâm học hành.
Đặc biệt, Tết Trung thu giờ đây đã trở thành "mùa" biếu xén. Rất nhiều người lợi dụng dịp này để nịnh nọt cấp trên hoặc xin xỏ. Đó là lý do thị trường bánh Trung thu xuất hiện những hộp bánh dòng cao cấp với những cái tên, những mức giá "khủng". Có hộp bánh giá lên tới hơn 20 triệu đồng. Thường thì bên trong những hộp bánh kiểu này không chỉ có bánh mà còn kèm với những loại quà tặng đắt tiền như rượu ngoại, trà thượng hạng. Nhân bánh cũng được giới thiệu làm từ những thứ đắt đỏ như vi cá mập, đông trùng hạ thảo, yến sào... Đó là chưa kể bên trong những hộp bánh Trung thu hào nhoáng kia đôi khi không chỉ đơn thuần là bánh, là những chai rượu đắt tiền mà có khi còn là chiếc hộp bí mật che mắt thiên hạ để đựng tiền hối lộ...
Cứ nghĩ tới đâu đó vẫn còn những đứa trẻ côi cút phải sống cảnh nghèo khó bơ vơ, bữa ăn có thịt còn là ước mơ mà thấy buồn vì những chiếc bánh giá tính bằng đô la kia. Chỉ mong các cấp chính quyền, các ngành chức năng sẽ quan tâm chăm lo để mọi đứa trẻ đều có Tết Trung thu, để Tết Trung thu thực sự trở về đúng nghĩa của nó: là Tết cho thiếu nhi, chỉ dành riêng cho các em.
KIM THANH(TP Hải Dương)