Tết của người tuần đường

25/01/2020 09:12

Đêm giao thừa, trời rét buốt, anh Phùng Quang Hưng (44 tuổi) tay cầm cờ lê, tay cầm đèn pin lặng lẽ đi dọc cung đường sắt qua nội thành Hà Nội.


Anh Phùng Quang Hưng làm tuần đường đoạn đường sắt qua nội thành Hà Nội

14 năm làm tuần đường, anh Hưng chỉ vài năm được đón giao thừa cùng gia đình, còn lại phải một mình đi tuần dọc đường ray. Nhìn pháo hoa bắn ở công viên Thống Nhất, qua các nhà thấy mọi người chúc tụng, anh càng nhớ vợ con ở quê. "Tôi cũng mong được về với vợ con, song vì trách nhiệm mà tiếp tục làm việc, giữ an toàn cho các đoàn tàu", anh Hưng nói.

Người đàn ông gầy gò, gương mặt hiền lành bộc bạch rất chạnh lòng khi mọi người hối hả đi mua đào, quất Tết, còn mình cô đơn ở Hà Nội. Thường cứ trước Tết mấy ngày, anh lại đưa vợ con về quê Bắc Giang, còn mình ở lại làm việc. Nhiều năm qua, vợ anh đành phải quen với cảnh chồng không có mặt ở nhà ngày Tết, chủ động quán xuyến gia đình, chăm sóc hai con nhỏ.

Cách đây hơn 30 năm, anh Hưng rời quê Bắc Giang lên Hà Nội học trường nghiệp vụ công trình giao thông đường sắt. Ra trường, anh làm duy tu sửa chữa đường sắt tại Công ty Đường sắt Hà Hải và chuyển nghề tuần đường, gắn cuộc đời mình với đoạn đường sắt qua nội thành Hà Nội 14 năm nay. Hiện anh là Tổ trưởng Tổ tuần đường của Cung đường Hà Nội.

Trong tổ, anh Hưng giàu kinh nghiệm nhất. Theo nhẩm tính của đồng nghiệp, hơn chục năm qua anh Hưng đã đi bộ được 2 vòng trái đất. Mỗi ngày anh cuốc bộ 20 km kiểm tra tuyến đường sắt phía nam từ ga Hà Nội đến ga Giáp Bát rồi quay lại ga Hà Nội, rà soát 72 bộ ghi trong ga. Tiếp đó anh đi bộ kiểm tra hơn 2 km đường phía bắc tuyến Hà Nội - Đồng Đăng. Tuần đường chia làm 3 ca, có ngày anh Hưng làm ban ngày, có ngày làm đêm từ 21h đến 5h sáng.

Người tuần đường phải "dán mắt" xuống đường ray, phát hiện bu lông nào lỏng thì siết lại, hoặc thay mới; kiểm tra tấm đan đường ngang, chỗ nào hỏng nặng thì báo cáo để đơn vị duy tu sửa chữa. Túi đồ anh mang theo có cờ lê, một lá cờ vàng, hai cờ đỏ, sáu quả pháo hiệu, còi, đai ốc, bu lông, đèn pin. Khi phát hiện lỗi hư hỏng trên đường ray mà chưa thể khắc phục, anh Hưng sẽ cắm hai cờ đỏ và đặt pháo hiệu ở hai đầu đường ray, cách vị trí hư hỏng 800 m, đồng thời vẫy lá cờ vàng và hú còi báo hiệu cho lái tàu về sự cố.

Tháng trước, khi kiểm tra đoạn đường sắt gần ga Hà Nội, anh Hưng phát hiện một lập lách nối ray bị gẫy nên khẩn cấp cắm cờ phòng vệ hai đầu đoạn ray, dùng cờ vàng, còi để báo hiệu cho đoàn tàu sắp tới. Anh đồng thời phối hợp với gác ghi và trực ban điều độ báo cho những lái tàu ở xa. Sau vài giờ, lập lách mới được thay thế, các đoàn tàu qua lại bình thường.

Ngày Tết, ngành đường sắt tăng tàu nhiều hơn ngày thường nên tuần đường phải giám sát chặt chẽ hơn vì tàu đi nhiều dễ làm mòn ray, hỏng bu lông, lập lách. Nếu không kịp thời thay thế, chúng có thể bị gẫy, uy hiếp an toàn tàu.

Đoạn đường sắt đi xuyên qua thành phố nên nhiều nhà dân thường kinh doanh lấn chiếm hành lang đường sắt, buộc tuần đường phải nhắc nhở thường xuyên. Nhiều hộ dân đổ nước xuống đường gây phụt bùn nền đường, làm đường ray xô lệch, tàu đi qua bị lắc.

Lo ngại nhất, theo anh Hưng là vi phạm giao thông tại các đường ngang vào dịp Tết. Đội tuần đường thường xuyên phải ngăn chặn người dân cố tình vượt qua gác chắn khi tàu sắp đến. Nhiều người uống bia, rượu rồi đi du xuân, khi bị nhắc nhở thì phản ứng, lăng mạ nhân viên tuần đường.

Anh Hưng vẫn nhớ đêm giao thừa cách đây 8 năm. Trong khi tuần đường đoạn qua hồ Ba Mẫu, anh gặp một người say rượu đi xe máy vượt qua đường ngang thì bị ngã. Lúc đó tàu sắp đên, anh Hưng đã nhờ nhân viên gác chắn cảnh báo tàu từ xa và đưa người bị ngã xe ra khỏi hành lang đường sắt an toàn. Sau mấy ngày, nạn nhân đã tìm lại anh Hưng cám ơn.

Ông Đặng Đình Long, Cung trưởng cung đường Hà Nội, đánh giá công việc của người tuần đường rất vất vả, làm việc cả ngày nắng cũng như mưa, ngày lễ cũng như ngày thường. Họ phải trực tiếp kiểm tra các hạng mục đường sắt mà máy móc không thể thay thế được. Công việc vất vả nên hầu hết người tuần đường mắc các bệnh nghề nghiệp như khớp, vôi hóa cột sống, đau dạ dày.

Thu nhập mỗi tháng của người tuần đường chỉ 4-5 triệu đồng nên ngày càng ít người gắn bó với nghề. Nhiều người chỉ làm được vài năm là nghỉ việc, anh Hưng là một trong số ít người tuần đường gắn bó với nghề nhiều năm.

"Anh Hưng đã phát hiện nhiều vụ hư hỏng đường ray, giúp đơn vị sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn chạy tàu cung Hà Nội - Giáp Bát", ông Long nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết của người tuần đường