Đó là một nhiệm vụ quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nêu trong Chỉ thị số 29 - CT/TU ngày 26.7 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý các cấp chính quyền đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá.
Theo chỉ thị này, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đấu thầu, đấu giá còn một số hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa nắm chắc các quy định của pháp luật dẫn đến chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục trong hoạt động đấu thầu. Trong một số gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng còn tình trạng chỉ có một nhà thầu tham gia, tính cạnh tranh chưa cao. Thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư của một số gói thầu, dự án còn kéo dài. Việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu ở cấp xã có việc còn chưa thỏa đáng, dẫn đến kiến nghị kéo dài. Công tác xác định giá, thẩm định giá, quy định bảng giá đất của tỉnh có lúc còn chưa sát với giá thực tế trên thị trường. Việc tuân thủ pháp luật về đấu giá tài sản của một số tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên chưa nghiêm túc trong hoạt động hành nghề đấu giá. Cơ chế giám sát và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động đấu thầu, đấu giá chưa được chặt chẽ, còn để xảy ra sai phạm trong đấu thầu đối với một số gói thầu mua sắm vật tư y tế trong thời gian qua.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số chính sách pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá còn bất cập, chưa thống nhất, chồng chéo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền chưa được quan tâm đúng mức. Còn có trường hợp chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, giao phó toàn bộ công việc cho đơn vị tư vấn dẫn đến vi phạm trong đấu thầu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có việc chưa chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giám sát, phát hiện và xử lý sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá còn có mặt hạn chế. Một số cán bộ, công chức làm công tác đấu thầu, đấu giá chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu trách nhiệm trong công vụ.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu, đấu giá và chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đó là các cấp ủy, chính quyền nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu thầu, đấu giá và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá trên cơ sở gắn trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao tính chủ động, quyết liệt, thực hiện tốt tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm).
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn, tổ chức đấu giá tài sản trực tiếp chịu trách nhiệm trong lựa chọn chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm thận trọng, khách quan, cương quyết loại bỏ những tổ chức, cá nhân có năng lực yếu kém, có hành vi vi phạm đã bị báo chí phản ánh, cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động đấu thầu, đấu giá thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đấu thầu, đấu giá; chủ động giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh trong quá trình đấu thầu, đấu giá thuộc thẩm quyền của mình, không đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác giải quyết. Thực hiện đầy đủ việc đăng tải thông tin công khai về đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật; tăng cường thông tin về các cuộc đấu thầu, đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện đấu thầu qua mạng theo yêu cầu của Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng trang thông tin điện tử để tổ chức đấu thầu, đấu giá trực tuyến trên mạng. Nghiêm cấm việc can thiệp mang tính định hướng, đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, đặt thêm yêu cầu, điều kiện tạo lợi thế cho một hoặc một số cá nhân hoặc tổ chức tham giá đấu thầu, đấu giá gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đấu giá. Tạo điều kiện cho cá nhân hoặc tổ chức tham giá đấu thầu được giải trình, làm rõ trong quá trình đấu thầu. Nghiêm cấm các hành vi thông thầu, gian lận, cản trở, tiết lộ thông tin… theo quy định của pháp luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu cán bộ, công chức, người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình, nghiệp vụ trong hoạt động đấu thầu, đấu giá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, trọng tâm là công khai, minh bạch các khâu trong quá trình tổ chức thực hiện.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện đối với hiệu quả công tác đấu thầu, đấu giá tài sản; chịu trách nhiệm kỷ luật hành chính hoặc hình sự nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, đấu giá ở cơ quan, đơn vị mình mà không chủ động phát hiện, không kiên quyết chỉ đạo xử lý hoặc có hành vi bao che tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan thanh tra chủ động nắm tình hình để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đấu thầu, đấu giá. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất, những gói thầu, dự án quy mô lớn, phức tạp, gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu hoặc gói thầu có phát sinh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi nhận được đề nghị hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thông qua đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của HĐND các cấp, MTTQ và các thành viên, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác phát hiện, kiến nghị xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, đấu giá.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị này theo đúng tinh thần “5 rõ”; định kỳ hàng năm, chỉ đạo tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo đưa nội dung chỉ thị vào Chương trình giám sát của HĐND tỉnh và tổ chức giám sát theo nhóm chuyên đề; xem xét ban hành các nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đấu thầu, đấu giá để thống nhất thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện công tác đấu thầu, đấu giá trên địa bàn tỉnh…
PV