Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào ngày 14.12, tại Thủ đô Hà Nội.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung
Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn đã nhấn mạnh sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu quả giữa ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
- Đây là lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, xin Trưởng ban Đối ngoại Trung ương chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa, cũng như mục tiêu của Hội nghị lần này?
- Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức các hội nghị về công tác nội chính, công tác văn hóa, công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng và sắp tới là công tác đối ngoại. Do đó, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong số một loạt các hội nghị nhằm triển khai đường lối Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kể từ khi Đảng ta thành lập cũng như từ khi nước Việt Nam Dân chủ chủ cộng hòa ra đời, đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được tổ chức, do đó, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc sắp tới càng có ý nghĩa đặc biệt hơn.
Theo đó, hội nghị nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới. Từ việc phân tích rõ tình hình quốc tế, Hội nghị làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại, quan điểm đối ngoại và các biện pháp thực hiện trong tình hình mới.
Hội nghị sẽ tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự đồng lòng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Xin đồng chí cho biết, việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng sẽ được thực hiện như thế nào trong bối cảnh mới?
- Trong bối cảnh mới, chúng ta sẽ phát huy những thế mạnh - như nhận định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong tình hình các mặt, các lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực đối ngoại.
Cụ thể, mối quan hệ của đất nước đã được mở rộng và đi vào chiều sâu với nhiều đối tác, trong đó, có tất cả các đối tác quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta đã tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Chúng ta giữ gìn môi trường hòa bình; không chỉ tranh thủ được các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn tạo điều kiện để tham gia vào các hệ thống của khu vực và quốc tế cũng như hệ thống các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, chúng ta xử lý được những thách thức, trong đó có cả những thách thức an ninh truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống.
Muốn như vậy, chúng ta phải quán triệt đường lối đối ngoại và triển khai đồng bộ cả về song phương và đa phương trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị.
- Xin đồng chí cho biết những trọng tâm của công tác đối ngoại Đảng trong nhiệm kỳ 2021-2026?
- Đối ngoại Đảng trong thời gian vừa qua đã có nhiều đóng góp trong tổng thể của 3 trụ cột đối ngoại: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Trong đó, đối ngoại Đảng đóng vai như cơ sở nền tảng về mặt chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các chính đảng, các tổ chức trên thế giới, đóng góp trực tiếp vào các vấn đề; tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Vì vậy, từ rất sớm, Đảng ta đã coi trọng vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại Đảng. Và trên thực tế, đối ngoại Đảng đã bắt đầu từ rất sớm, từ trước khi chúng ta giành được độc lập và thành lập ra Nhà nước Việt Nam. Đảng ta đã có nhiều văn bản quan trọng nhằm đề ra định hướng và các biện pháp cụ thể liên quan đến công tác đối ngoại Đảng.
Mới đây nhất, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về "Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới"; do đó, trong thời gian tới, trọng tâm công tác đối ngoại Đảng là thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Trong đó, Chỉ thị số 32-CT/TW đã đề ra những định hướng rất quan trọng. Thứ nhất, quán triệt đường lối và làm tốt công tác tham mưu chiến lược để luôn luôn nắm sát tình hình, đồng thời đưa ra đường lối đối ngoại mới phù hợp.
Thứ hai, định hướng nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại Đảng, trước hết là với các nước láng giềng để tạo nền tảng chính trị và định hướng cho quan hệ các mặt; tạo quan hệ đối ngoại Đảng với các chính đảng khác, các đảng cầm quyền cũng như các đảng tham gia đời sống chính trị ở các nước, để tranh thủ sự ủng hộ về mặt chính trị, tạo thêm sự hỗ trợ về mặt chính trị cho quan hệ nhà nước cũng như đối ngoại nhân dân.
Thứ ba, tranh thủ hơn nữa về hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội trong quan hệ Đảng; giúp cho các kênh khác tranh thủ những vấn đề hợp tác này. Cùng với đó, Chỉ thị số 32-CT/TW cũng nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác đối ngoại đảng.
- Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì để phát huy sức mạnh tổng thể của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, thưa đồng chí?
- Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần này có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phổ biến, quán triệt đến tất cả các cấp, các ngành nắm toàn diện, sâu sắc hơn về đường lối đối ngoại của Đảng cũng như đánh giá tình hình quốc tế.
Trên cơ sở đó, chung ta thống nhất đề ra những định hướng, phương hướng, chiến lược cụ thể đối với các cơ quan, bộ, ngành trong lĩnh vực chuyên môn, ở các cấp địa phương. Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu quả của cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương, và giữa ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương!
Theo TTXVN