Xây dựng Đảng

Truyền thống gia đình, quê hương bồi đắp bản lĩnh của Anh Cả Nguyễn Lương Bằng(*)

NGUYỄN THỊ NHẬT THU, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương 02/04/2024 08:01

Truyền thống gia đình, quê hương đã bồi đắp bản lĩnh của Anh Cả Nguyễn Lương Bằng - người con ưu tú của quê hương Hải Dương trong thời đại Hồ Chí Minh.

voi-qh5.a-30x40(1).jpg
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (người đứng hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) thăm quê hương Thanh Tùng (Thanh Miện) và chụp ảnh với các cán bộ địa phương ngày 12/6/1977 (ảnh tư liệu)

Suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước trải hàng nghìn năm của dân tộc ta, xứ Đông - Hải Dương là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng, của vùng đồng bằng Bắc bộ. Từ mảnh đất này, thế hệ nối tiếp thế hệ đã cùng nhau bồi đắp, phát huy truyền thống, làm rạng danh quê hương, đóng góp to lớn cho dân tộc.

Tiếp nối mạch nguồn tôn vinh dòng chảy truyền thống của quê hương, xứ sở, thật xúc động và tự hào, chúng ta cùng được tôn kính tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Lương Bằng - một trong những người con ưu tú của quê hương Hải Dương trong thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đời nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Lương Bằng xứng đáng là biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng; là kết tinh những truyền thống quý báu của quê hương Hải Dương, gia đình và dòng họ. Chính truyền thống quê hương, gia đình đã góp phần quan trọng hình thành nhân cách cao đẹp và chí hướng cách mạng kiên trung của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Sớm hình thành chí hướng cách mạng

Hải Dương là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Nơi đây có địa thế hiểm yếu về quân sự, ở phía tây bắc có sông núi lớn, ở phía đông nam có đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, dân cư đông đúc. Vì vậy, trải qua bao thời đại, Hải Dương luôn là chiến trường, điểm tựa cho các phong trào đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Ngay từ xa xưa, dưới ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhân dân Hải Dương đã không ngừng nổi dậy hưởng ứng các cuộc đấu tranh vũ trang của Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế để giành lại quyền độc lập, tự chủ. Đặc biệt năm 905, người Hải Dương đã nhất tề đứng lên cùng Hào trưởng đất Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ lật đổ ách đô hộ của nhà Đường, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Dưới thời phong kiến Việt Nam tự chủ, vùng đất chiến lược Hải Dương từng góp phần giúp các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê làm nên cơ nghiệp. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ thế kỷ XI-XIII, vùng đất Hải Dương có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược tấn công, phòng thủ của các triều Lý, Trần, nhất là trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược nửa sau thế kỷ XIII. Ngày nay, các địa danh Vạn Kiếp, Lục Đầu, Bình Than…, tên tuổi, đền thờ các danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Nguyễn Chế Nghĩa… và nhiều dũng tướng khác còn lưu lại trên đất Hải Dương là minh chứng sống động về những cống hiến xuất sắc của người dân Hải Dương trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Những thế kỷ sau đó, tinh thần yêu nước, cách mạng, khát vọng tự do, không cam chịu trước ách đô hộ, bất công, cường quyền trong các tầng lớp nhân dân xứ Đông vẫn luôn khi thì âm ỉ, lúc lại bùng cháy góp sức cùng dân tộc lật đổ ách đô hộ của nhà Minh, đánh đuổi nhà Thanh, chống lại sự áp bức, bóc lột của chế độ quân chủ hà khắc, nạn cường hào, ác bá khi đó…

Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công và chiếm thành Hải Dương vào giữa tháng 8/1883, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hải Dương đã tích cực tham gia vào phong trào chống Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương của các thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Tít… Đầu thế kỷ XX, trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Hải Dương có những đóng góp nổi bật vào các cuộc vận động yêu nước tiến bộ và cách mạng như phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân… Các phong trào yêu nước đó đã tạo tiền đề để những người con ưu tú của Hải Dương khi đó như các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hới… tham gia phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản…

Sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo ở một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn nhỏ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường háo hức nghe bà nội kể về truyền thống gia đình dòng họ Nguyễn Lương, về những tấm gương tiêu biểu trong dòng họ tham gia phong trào yêu nước của các thủ lĩnh Tán Thuật, Đốc Tít… Cứ vậy theo năm tháng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình, ý chí và khát khao vượt lên khó khăn, tìm con đường tươi sáng được nhen nhóm và lớn lên một cách tự nhiên trong cậu bé Nguyễn Lương Bằng.

Do cha mất sớm, 13 tuổi, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã phải nghỉ học, làm việc để kiếm sống. Năm 17 tuổi, ông tìm ra đất cảng Hải Phòng làm nhiều công việc khác nhau. Chính truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ và trải nghiệm từ cuộc sống mưu sinh vất vả luôn phải chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của thực dân Pháp đối với người dân mất nước đã dần hình thành trong chàng trai trẻ chí hướng cách mạng, phản kháng lại bất công, áp bức, tinh thần yêu nước, yêu thương đồng bào. Đó là tiền đề để đồng chí Nguyễn Lương Bằng sớm tìm thấy và trọn đời đi theo con đường cách mạng vô sản, nơi mà chí hướng và tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất của đồng chí đã tiếp tục được hun đúc, tôi rèn.

z5304281571816_79f9753d5f92a5dce5a33bafa3035f60(1).jpg
Lãnh đạo xã Thanh Tùng (Thanh Miện) và đoàn đại biểu của một ngân hàng thăm, dâng hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Lương Bằng tại nhà tưởng niệm

Bản lĩnh kiên cường, bất khuất

Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hải Dương được xem là "Trấn thứ nhất trong tứ trấn”- là phên dậu, là bức bình phong phía đông che chở cho kinh đô Thăng Long và châu thổ Bắc Bộ. Với địa thế hiểm yếu về quân sự, Hải Dương thường là tiêu điểm ác liệt của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng. Nhiều người con ưu tú của Hải Dương xưa đã bộc lộ sáng rõ đức tính kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Thần tích của hàng trăm đình làng ở khắp làng trên, xóm dưới trên địa bàn Hải Dương luôn ăm ắp chuyện kể về những tấm gương tiêu biểu.

Cùng với đó, trong công cuộc khẩn hoang, mở mang làng mạc, lao động sản xuất… nhân dân Hải Dương đời sau nối tiếp đời trước đã nuôi dưỡng và bồi đắp những phẩm chất quý giá: cần cù, nhẫn nại, không lùi bước để chinh phục thiên nhiên, xây dựng, bảo vệ quê hương… Bối cảnh lịch sử, truyền thống quê hương, nền nếp gia đình, dòng họ… đã tôi luyện nên con người Hải Dương nói chung, người con ưu tú Nguyễn Lương Bằng nói riêng một ý chí kiên cường, dũng cảm và bản lĩnh không bao giờ chịu khuất phục trước mọi khó khăn để vươn lên làm chủ cuộc sống và làm cách mạng.

Như chúng ta đã biết, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã ba lần bị thực dân Pháp bắt, hai lần vượt ngục thành công. Suốt thời gian bị giam cầm, dù bị tra tấn dã man, đồng chí luôn kiên cường, giữ vững khí tiết người cộng sản; bền bỉ hoạt động trong tổ chức bí mật của nhà tù; đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống của tù nhân. Dù cai ngục tàn bạo đến đâu thì mọi người đều thấy ở đồng chí một ý chí bất khuất và một tinh thần lạc quan cách mạng.

Sau này, trong mỗi nhiệm vụ, trên mỗi chặng đường đấu tranh của đồng chí, lòng yêu nước và những phẩm chất tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống quê hương càng được tôi luyện và tỏa sáng rực rỡ. Đó là thái độ đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; tinh thần sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để chiến đấu giành độc lập, tự do, là khát khao xây dựng nước Việt Nam ấm no, giàu mạnh. Thành công của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong thực hiện các nhiệm vụ được Đảng giao phó gắn liền với phẩm chất đạo đức cách mạng kiên cường của một chiến sĩ cộng sản, một nhà lãnh đạo luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết và trước hết.

Gương sáng về tự học, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

z5304281555040_4bf9c6c2e360bd9e907b70f4150be3ee(1).jpg
Giáo viên, học sinh đến thăm, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng tại Nhà tưởng niệm đồng chí ở quê hương Thanh Tùng (Thanh Miện)

Từ xa xưa, Hải Dương đã được biết đến là vùng đất văn hiến, hiếu học. Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến, Hải Dương đứng đầu về số tiến sĩ nho học của cả nước với 472 người. Làng Mộ Trạch (Bình Giang) được tôn phong là “Làng tiến sĩ” với 39 tiến sĩ dưới các triều đại phong kiến. Văn Miếu Mao Ðiền - Văn miếu trấn Hải Dương xưa là minh chứng cho truyền thống hiếu học của người xứ Ðông. Nhiều danh sĩ đất Hải Dương như: Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Mạc Ðĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh… để lại cho ngày nay hàng trăm tác phẩm có giá trị trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao…

Xã Thanh Tùng quê hương đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng là địa phương có nhiều người đỗ đạt. Dưới thời phong kiến, cả xã có 6 người đỗ đại khoa, được nhân dân thờ ở đình làng Đông. Cha đồng chí Nguyễn Lương Bằng là cụ Nguyễn Lương Thiện đậu khóa sinh nên dân làng gọi là anh khóa Thiện - làm nghề dạy học; thân mẫu đồng chí là bà Ngô Thị Tý - một phụ nữ nông thôn thuần phác. Hai cụ sinh được bốn người con. Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng ông bà Khóa luôn dạy các con biết yêu thương, nhường nhịn, biết kính trọng và lễ phép với người lớn, chan hòa, khiêm nhường với họ, với làng, “đói cho sạch, rách cho thơm”…

Thất học và phải lao động kiếm sống từ năm 13 tuổi, năm 17 tuổi rời quê hương ra Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẵn sàng làm mọi việc cực nhọc như: rửa bát, nhào than, bồi bếp… Tuy vậy, ông luôn nung nấu ý định phải học văn hóa và chuyên môn. Ông đã mua sách tiếng Pháp về tự học với một tinh thần quyết tâm, kiên trì hiếm thấy. Làm quần quật cả ngày, tối đến, bất kể trời giá lạnh hay nóng nực, ông đều ra chân cột đèn nhờ ánh sáng đèn đường để học. Từ chỗ vừa học vừa làm, kiên nhẫn và chăm chỉ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã “trưởng thành, nghề chuyên môn cũng thành thạo, tiếng Pháp khá”, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn có tiền gửi về phụ giúp gia đình.

Những chặng đường tham gia cách mạng sau đó, được Đảng giao bất kỳ nhiệm vụ nào, dù mới mẻ hay khó khăn, ông đều quyết tâm học hỏi, kiên trì làm bằng được. Trong Hồi ký, ông đã kể: năm 1944 - 1945, khi nhận nhiệm vụ gây quỹ cho Đảng hoạt động, ông đã lăn lộn đủ nghề, kể cả kéo xe mật mía từ Hà Đông ra Hà Nội bán. Nhờ cần kiệm và sự giúp đỡ của quần chúng nên trong một thời gian đã mua được 9 ngôi nhà để phục vụ hoạt động cách mạng.

Trong những năm tháng bị đế quốc cầm tù, ông đã vượt lên sự tra tấn, khủng bố khốc liệt của kẻ thù, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, tự học, rèn luyện để trở thành một người cộng sản có trí tuệ lớn, tài năng lớn. Không chỉ có vậy, nhiều cán bộ, bạn tù mãi nhớ sự chăm sóc ân cần khi đau ốm, sẻ cơm nhường áo khi đói rét của đồng chí Sao Đỏ - Anh Cả - Nguyễn Lương Bằng. Phải chăng, tình thương và cách giáo dục con của người mẹ, người cha đã dần bồi đắp nên ở ông tình yêu thương đối với con người, nhất là với những chiến sĩ cách mạng cùng đồng cam cộng khổ và đồng bào lầm than.

Sau ngày độc lập 2/9/1945, theo lẽ thường, những cán bộ cốt cán như đồng chí Nguyễn Lương Bằng hoàn toàn có thể giữ những cương vị nổi bật trong chính quyền mới nhưng đồng chí đã tự xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ ngoài Đảng, thực hiện đúng phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra: Chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là phải đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không để lên "ông nọ, bà kia"...

Tất cả những ai từng có dịp tiếp xúc gần gụi với đồng chí Nguyễn Lương Bằng đều khâm phục nếp sống giản dị, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ của đồng chí. Lối sống thanh cao, giản dị ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lớp cán bộ, nhất là người thân trong gia đình. Bà Hà Thục Trinh, phu nhân đồng chí từng kể: Ông ấy vốn là người trung hậu, liêm khiết đến mức lý tưởng. Mẹ con tôi suốt đời theo gương: Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống.

Với phẩm chất, tài năng và uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người tiên phong thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng của cách mạng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó. Ông là người đầu tiên được Đảng giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh trong những năm tháng khẩn trương chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám, cũng là người đầu tiên phụ trách công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; người đầu tiên tổ chức, xây dựng và là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước.

Vậy là, từ một cậu bé sớm phải thất học, tiếp nối truyền thống văn hiến, khoa bảng, hiếu học, sống có nghĩa, có tình của gia đình, quê hương, ngay từ thuở niên thiếu đến khi trở thành Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn là người “Anh Cả” nêu gương sáng về tự học, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, cần cù, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng bào…

Có thể tự hào khẳng định: Truyền thống quê hương, gia đình đã cho ông một tâm hồn, một nghị lực, một ý chí để tạo nên một nhân cách lớn, một nhà cách mạng chân chính, mẫu mực. Bằng lòng yêu nước vô hạn, tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất, tinh thần hiếu học, yêu lao động, trọng chính nghĩa, yêu thương con người…, ông đã trọn đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng những phẩm chất cao đẹp và cống hiến của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã làm rạng danh quê hương Hải Dương. Nhân cách, đạo đức cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên Hải Dương nói riêng học tập và noi gương. Chính vì thế trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi đưa tiễn đồng chí đã khẳng định: “Tấm gương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là giá trị tinh thần mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt”.

-----------------------------

(*) Trích đăng từ Kỷ yếu hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”; tiêu đề do Báo Hải Dương điện tử đặt

NGUYỄN THỊ NHẬT THU, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thống gia đình, quê hương bồi đắp bản lĩnh của Anh Cả Nguyễn Lương Bằng(*)