Tạo điểm nhấn cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019

12/09/2019 17:25

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đã cơ bản hoàn tất. Lễ hội năm nay có một số điểm mới đáng chú ý.


Đơn vị thi công gấp rút lắp đặt sân khấu phục vụ diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu 

Diễn xướng hội quân

Có mặt tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc những ngày này, có thể cảm nhận thấy không khí lễ hội đã đến rất gần. Mọi ngả đường dẫn về hai khu di tích được trang hoàng rực rỡ cờ hoa… Dù chưa đến chính hội, nhưng dòng người từ các nơi đã đổ về hành lễ. Năm nay, cả hai khu di tích đều đã kịp hoàn thiện tu bổ nhiều hạng mục, di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Trước đây, khu đất phía sau đền Kiếp Bạc bị bỏ không, là tụ điểm vứt rác nay đã thành vườn hoa đẹp mắt rộng hơn 1.000 m2 . Ban Quản lý (BQL) di tích đã trồng 86 cây vạn tuế, chia làm 2 tầng, một tầng 14 cây tượng trưng cho 14 đời vua Trần, một tầng 72 cây xếp hình chữ “Trần”, để tôn vinh triều đại nhà Trần. Con đường sau đền được kè rộng, hai bên đường trồng 28 trụ hoa giấy trên nền hoa mười giờ, dẫn vào sân để xe đã được cải tạo, rải đá sạch sẽ.

Tại Bàn Cờ Tiên, BQL di tích cho dựng phiến đá tự nhiên cao 3 m khắc tên, trồng thông, tùng… và tiểu cảnh, lát 200 m2 đường đá xung quanh di tích. BQL giải tỏa 70% số hàng quán trên đường lên Bàn Cờ Tiên, những gian hàng còn lại quy hoạch thành 3 điểm, mỗi điểm cách nhau 500 m, thay mái lá bằng mái tôn.

Trong buổi họp triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội mong muốn: “Lễ hội mùa thu phải có điểm nhấn, không làm theo kiểu bề nổi bởi nhiều lễ hội dù tổ chức hoành tráng nhưng không để lại ấn tượng với du khách”. Điểm nhấn của lễ hội mùa thu năm nay là màn hội quân trên sông Lục Đầu hằng năm được nâng lên thành nghi thức diễn xướng hội quân, tổ chức ngoài đê sông Lục Đầu. Nghi thức diễn xướng sẽ diễn ra sau Lễ khai mạc, tưởng niệm 719 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn vào sáng 15.9 (tức 17.8 âm lịch). Nghi thức có sự tham gia của khoảng 1.500 người, quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Việc tổ chức tiếp nối 2 sự kiện quan trọng trong bối cảnh không gian có hạn là thách thức với Ban tổ chức. Nhưng đến thời điểm này, việc khó nhất là thiết kế sân khấu để bảo đảm không gian lễ hội, phục vụ hàng nghìn đại biểu, du khách đã cơ bản hoàn tất. 50 thuyền quân của người dân Kênh Giang (phường Văn Đức, Chí Linh) đã trang trí xong, sẽ cập bến Lục Đầu vào ngày 13.9 cùng 500 chiến sĩ của 2 đơn vị Lữ đoàn 490, Sư đoàn 395 và 300 võ sinh của môn phái Nhất Nam, 150 người dân xã Hưng Đạo, các diễn viên Nhà hát Chèo tỉnh tổng duyệt chương trình diễn xướng lần cuối.

Chủ động mọi mặt

Một điểm mới trong công tác chuẩn bị cho lễ hội mùa thu năm nay là hầm chui qua đường sắt từ quốc lộ 18 vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nơi bị coi là “điểm đen” giao thông đã thông xe đúng tiến độ, tạo thuận lợi cho người dân và du khách về trẩy hội. Năm nay, hưởng ứng phong trào "chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hội hoa đăng vào tối 16.9 (ngày 18.8 âm lịch) sẽ sử dụng 5.000 hoa đăng bằng giấy tự tiêu, do BQL di tích đặt nguyên liệu và tự gấp bằng tay. BQL di tích bố trí lực lượng nhắc nhở người dân vứt rác đúng nơi quy định, nhất là rác thải nhựa; bổ sung 40 thùng rác ở 2 điểm di tích, huy động mỗi điểm thêm 6 người tập kết rác, nâng tần suất thu gom để bảo đảm khuôn viên di tích luôn sạch đẹp.

Để thu hút sự quan tâm của du khách thập phương, BQL cũng sớm chú trọng công tác tuyên truyền. Ngay từ đầu tháng 8, BQL đã cho lắp đặt 15 tấm pa nô lớn rộng tầm 20- 30 m2 trên các tuyến đường từ TP Hải Dương về TP Chí Linh, các nút giao thông chính; cắm hơn 2.000 cờ hội, quốc kỳ dọc đường từ khu di tích Côn Sơn sang Kiếp Bạc; treo 400 đèn lồng, gần 500 áp phích, băng rôn và lắp đặt dàn ảnh ở cả hai khu di tích để giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội đặc sắc. Gần đây, các hoạt động của 2 khu di tích đều được cập nhật liên tục trên website và trang mạng xã hội do BQL di tích quản lý, có lượng truy cập và tương tác cao.

Nhận rõ vấn đề tồn đọng, khó giải quyết qua nhiều mùa lễ hội về việc chèo kéo khách du lịch, năm nay Ban tổ chức tiếp tục bố trí lực lượng tuần tra thường trực 24/24 giờ. Các chốt barie đều có nhân viên an ninh trực, ngăn chặn xe ôm vào di tích bắt khách. Lực lượng an ninh địa phương giám sát hàng quán, bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn tình trạng trộm cắp, ăn xin... Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ bán hàng quán, nhà nghỉ ký cam kết bán hàng, phục vụ theo đúng giá niêm yết, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách về vệ sinh thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng BQL khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết dưới sự chỉ đạo của Ban tổ chức lễ hội, BQL di tích đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Những công việc phục vụ các hoạt động tế lễ, nghi thức quan trọng đều phân công từ sớm đến từng đơn vị, cá nhân. Khoảng 3.000 người tham gia vào các hoạt động lễ hội đều đã sẵn sàng vào vị trí. 30.000 ấn để phát cho người dân trong lễ ban ấn đã được chuẩn bị. "Chúng tôi hy vọng với sự chuẩn bị này, lễ hội năm nay sẽ thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách”, bà Nguyễn Thị Thùy Liên nói.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo điểm nhấn cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019