Có lẽ thông điệp “Hàn gắn nước Mỹ” được nêu bật trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm nay đã phản ánh được phần nào trọng trách và sứ mệnh mà ông Joe Biden sẽ phải gánh vác khi bước chân vào Nhà Trắng cũng như kỳ vọng của người dân đặt vào nhà lãnh đạo mới.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol ở Washington DC
Tổng thống Biden tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh nước Mỹ vốn đã bị nhấn chìm trong các cuộc khủng hoảng suốt một năm qua, giờ lại đang trải qua “cú sốc” lớn bởi vụ bạo loạn ngày 6.1 tại Đồi Capitol, một biểu tượng cho nền dân chủ của quốc gia này.
Trong suốt hai tuần qua, an ninh tại thủ đô Washington DC, đặc biệt là khu vực Đồi Capitol, cũng như thủ phủ 50 bang trên khắp nước Mỹ được siết chặt, nhiều biện pháp được triển khai nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình vũ trang. Không giống như không khí chào mừng tân tổng thống của những năm trước, năm nay, cả thủ đô Washington luôn được đặt trong tình trạng báo động để đối phó với bạo loạn.
Với người dân Mỹ, mức độ quân sự hóa tại thủ đô cũng như những cảnh báo được đưa ra trong dịp này chắc chắn là điều đáng buồn bởi nó phản ánh tình trạng hỗn loạn và rối ren của một nước Mỹ bị chia rẽ và phân cực ngày càng sâu sắc không những trên chính trường mà cả trong xã hội, cũng như gây tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh nước Mỹ. Còn đối với tân Tổng thống Biden, thực trạng này, cùng với cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và sắc tộc, sẽ là những thách thức đối nội lớn nhất mà ông phải giải quyết ngay trong “tuần trăng mật” của nhiệm kỳ. Nhiệm vụ quan trọng và cần thiết lúc này là làm thế nào để hàn gắn đất nước sau 4 năm chia rẽ căng thẳng với những mâu thuẫn và bất đồng khó hóa giải, khôi phục lòng tin của người dân vào trật tự dân chủ, đưa nước Mỹ quay trở lại các giá trị truyền thống cũng như khẳng định vai trò dẫn dắt hàng đầu của quốc gia này đối với những vấn đề quốc tế.
Hơn ai hết, tân Tổng thống Biden hiểu rõ những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của cả chính quyền và người dân để có thể đưa đất nước bước sang một trang mới tốt đẹp hơn. Vì vậy, ông Biden đã cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách trong 100 ngày đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề trong nước, cũng như nhanh chóng đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế.
Chính quyền của ông Biden sẽ ban hành nhiều lệnh hành pháp trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ nhằm giải quyết 4 cuộc khủng hoảng hiện nay, gồm đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng sắc tộc. Một chương trình lập pháp mạnh mẽ cũng sẽ được thực hiện nhằm cứu trợ hàng triệu người dân Mỹ đang phải vật lộn với khủng hoảng. Những hành động mà tân Tổng thống Biden thực hiện không chỉ nhằm đảo ngược những thiệt hại nặng nề hiện nay, mà còn nhằm đưa nước Mỹ tiến lên phía trước, với việc làm thay đổi diễn biến của đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và hỗ trợ các cộng đồng chưa được đáp ứng về y tế và công trình công cộng, đồng thời xây dựng lại nền kinh tế Mỹ bằng cách tăng cường các trụ cột của đất nước…
Trước đó, ông Biden cũng đã công bố đề xuất gói kích thích kinh tế đầu tiên trị giá 1.900 tỷ USD mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” với nhiều biện pháp nhằm đưa Mỹ vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo đó, chính phủ mới sẽ sử dụng tiền của người đóng thuế để xây dựng lại nước Mỹ, khuyến khích mua sản phẩm nội địa, tạo hàng triệu việc làm trong lĩnh vực chế tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ. Ông Biden dự kiến chi 415 tỷ USD cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tổng thống mới còn cam kết mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.
Chính quyền mới cũng sẽ nhanh chóng thực hiện các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là tái gia nhập các tổ chức, liên minh và thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách làm suy yếu hoặc chấm dứt trong 4 năm qua. Nhiệm vụ đầu tiên mà ông Biden cam kết ngay khi lên nắm quyền là đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ lệnh cấm đi lại với 7 quốc gia Hồi giáo và giữ Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài ra, chính quyền mới cũng sẽ tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, củng cố quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tìm kiếm các thỏa thuận thương mại và hợp tác với các đồng minh.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc biến những cam kết thành hành động không phải là điều dễ dàng. Đối với nhiệm vụ đoàn kết nước Mỹ, khi lên nắm quyền, chính quyền ông Biden được cho là phải "thừa hưởng" những thể chế bị suy yếu, những truyền thống bị đảo lộn, các cử tri bị chia rẽ và rối loạn. Cùng với đó là thái độ phản đối của nhóm cử tri trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, người vẫn nhận được sự ủng hộ của hơn 68 triệu người Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua. Chính vì vậy, không ít nhà quan sát nhận định việc hàn gắn những chia rẽ này gần như một sứ mệnh chính trị "bất khả thi". Còn cam kết “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” được cho là không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của ông Trump, thậm chí một số điểm sẽ khó có thể bảo đảm được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ.
Dù vậy, với những gì mà ông Biden thể hiện trong suốt thời gian qua, nhiều người dân Mỹ vẫn có cơ sở để tin vào tương lai tốt đẹp hơn. Nhờ những mối quan hệ đã gây dựng trong suốt 36 năm làm việc tại thượng viện và 8 năm trên cương vị phó tổng thống, tân Tổng thống Biden được kỳ vọng sẽ mang lại cảm giác ôn hòa, thân mật, từ đó tạo ra sự đồng thuận lưỡng đảng để đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết các vấn đề của nước Mỹ.
ĐẶNG HUYỀN