Tác giả - Tác phẩm

Tác giả đau đáu với phòng chống bạo lực gia đình

BẢO ANH 07/10/2023 09:22

Tác giả Trần Thùy Linh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương vừa đoạt giải A và hai giải khuyến khích Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2023”.

W_z4751336148525_fdd4a0d8aa06e7ad2cfa27233b943328.jpg
Tác giả Trần Thùy Linh sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài phòng chống bạo lực gia đình (ảnh nhân vật cung cấp)

Trăn trở từ cuộc sống

“Mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, tác giả Trần Thùy Linh cho biết dân gian thường đọc câu ca này để nói về mối quan hệ khó hòa hợp giữa dì ghẻ và con chồng. Thế nhưng một câu chuyện có thật từ cuộc sống đã khiến chị suy nghĩ khác và đã nảy ra ý tưởng sáng tác kịch bản sân khấu “Bánh đúc có xương” tham dự Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2023” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và đoạt giải A.

Kịch bản sân khấu kể về một gia đình nông thôn với những mối quan hệ không quá phức tạp nhưng lại có những mâu thuẫn nảy sinh từ chính quan niệm bấy lâu nay về dì ghẻ - con chồng, tạo ra những kịch tính trong vở kịch.

Vở kịch có 8 nhân vật nhưng các xung đột chủ yếu xoay quanh 4 nhân vật chính là anh Đức, chị Hạnh, chị Loan và Hải (con riêng của anh Đức và chị Loan). Nhân vật Hạnh được chị Linh xây dựng trong vai một cô giáo hiền dịu, biết lễ nghĩa và hiểu chuyện. Mâu thuẫn xảy ra khi chị Loan, vợ cũ của anh Đức từ nước ngoài về xúi giục con trai vô lễ với chị Hạnh, từ đó dẫn tới những hành vi bạo lực gia đình không đáng có.

Chị Linh cho biết nội dung kịch bản sân khấu “Bánh đúc có xương” được lấy cảm hứng từ chính câu chuyện đời thực của gia đình chị. Nhân vật Hạnh chính là chị gái hờ, người đã thay thế chị gái của chị chăm sóc chồng và cháu khi chị gái đột ngột qua đời. “Một cô giáo mầm non yêu thương, chăm sóc con chồng như chính con mình dứt ruột đẻ ra. Chị sống chân thành với mọi người khiến tôi là một người cầu toàn, khó tính, luôn phản đối cuộc hôn nhân của anh rể và chị ấy cũng dần bị cảm hóa”, chị Linh nói. Từ chính câu chuyện có thật, tác giả đã đưa các nhân vật vào vở kịch sống động và hàm chứa nhiều thông điệp nhân văn về tình mẫu tử, sự sẻ chia, cảm thông và hy sinh trong mỗi gia đình.

Chị Phạm Thị Thoa, giáo viên dạy ngữ văn của Trường THCS Gia Lương (Gia Lộc) nhận xét: "Vở kịch của chị Linh gần gũi như chính những câu chuyện thường ngày trong mỗi gia đình. Phần kết vở kịch được chị Linh gỡ nút thắt bằng sự bao dung, tấm lòng yêu thương của con người, nhất là tình yêu của chị Hạnh với Hải đã vượt qua ranh giới của sự nghi ngờ, xóa nhòa khoảng cách vô hình giữa dì ghẻ - con chồng và bạo lực gia đình không còn trong một gia đình biết yêu thương và lắng nghe".

Gia đình là để yêu thương

Là giáo viên dạy văn ở Cẩm Giàng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, tác giả Trần Thùy Linh luôn đau đáu với nhân tình thế thái và trăn trở khi nhắc đến bạo lực gia đình. Chị Linh cho biết gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc, bình yên, không bạo lực sẽ góp phần giúp xã hội hạnh phúc. Đặc biệt phụ nữ và trẻ em cần được bảo vệ. Theo chị Linh, viết về đề tài gia đình, nhất là phòng chống bạo lực gia đình có rất nhiều tác giả thành công. Những giá trị thiêng liêng của gia đình đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ sáng tạo.

W_chi-linh-2.jpg
Tác giả Trần Thùy Linh (thứ hai từ phải sang) đoạt giai A và hai giải khuyến khích Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2023”

“Tôi luôn hướng tới sự lạc quan nên các tác phẩm viết về đề tài gia đình thường kết thúc có hậu. Tôi luôn muốn khơi dậy những hành động nhân văn và lòng trắc ẩn của mỗi con người để hướng họ về phía tích cực, nói không với bạo lực", chị Linh nói. Với phương châm này, năm 2019, tác phẩm “Vết thương vô hình” của chị cũng đoạt giải A Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu, tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình”.

Không chỉ giành giải thưởng cao tại Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2023”, đề tài phòng chống bạo lực gia đình còn được tác giả Trần Thùy Linh thể hiện trên nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm dự thi hoặc các tác phẩm đăng báo, tạp chí… Bài thơ "Con xin được gọi mẹ ơi!" được chị sáng tác về đề tài phòng chống bạo lực gia đình tham gia Cuộc thi sáng tác các tác phẩm truyền thông "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương tổ chức năm 2021 cũng đoạt giải nhất.

Nhà viết kịch, lý luận phê bình sân khấu Lê Quý Hiền nhận xét: Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2023” của Hải Dương có nhiều tác phẩm chất lượng. Tác giả Trần Thùy Linh, một cây viết sung sức có nhiều tác phẩm ấn tượng. Các tác phẩm của chị cho người đọc, người xem những cái nhìn khác nhau về bạo lực gia đình. Mỗi tác phẩm đều giàu tính nhân văn, thời sự, gần gũi với cuộc sống.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác giả đau đáu với phòng chống bạo lực gia đình