Hiện sức khỏe của các trẻ đều đã ổn định. 2 học sinh diễn tiến nặng hơn vẫn được theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai, còn 2 cháu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đã được xuất viện về nhà.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ngày 24.11, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, Bắc Giang tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer mũi 1 cho học sinh cấp 3 tại 2 trường: Trường THPT Nội trú Sơn Động và Trường THPT Sơn Động số 2.
Trong quá trình tiêm chủng có 4 học sinh tại 2 trường bị sốc phản vệ, trong đó có 2 em sốc phản vệ nặng. Ngay lập tức, các cháu được nhân viên y tế sơ cấp cứu, chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai theo dõi, điều trị. 2 học sinh còn lại có triệu chứng nhẹ hơn, được theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.
Chiều 26.11, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang thông tin, hiện sức khỏe của cả 4 cháu đều đã ổn định. 2 học sinh diễn tiến nặng hơn vẫn được theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai, còn 2 cháu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động đã được xuất viện về nhà.
Ông Hiệu cho biết, việc tiêm chủng bất cứ vắc xin nào cũng có một tỷ lệ nhỏ gặp phản ứng phụ sau tiêm, không riêng vắc xin Covid-19. Ngành y tế Bắc Giang đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xử trí kịp thời trong các tình huống.
“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, từ đội ngũ nhân viên y tế đến trang thiết bị vật tư, xe cứu thương để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Sơn Động là huyện ngoại thành cách TP Bắc Giang khá xa, tuy nhiên nhờ sự chuẩn bị kỹ mà các cháu đều được cấp cứu kịp thời”, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang nói.
Từ tháng 11.2021, Việt Nam chính thức triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên quy mô toàn quốc.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin Pfizer sử dụng cho trẻ em có liều lượng giống của người lớn, cũng tiêm theo đường bắp tay.
Tham khảo tài liệu từ Tổ chức thế giới (WHO) cũng như ghi nhận từ nhà sản xuất và một số nước đã, đang triển khai tiêm chủng cho thấy, các phản ứng có thể gặp ở trẻ tương tự người lớn. Cụ thể:
Phản ứng rất phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng đỏ tại vị trí tiêm. Lưu ý, ở mũi thứ hai sau khi tiêm, trẻ thường có phản ứng nhiều hơn mũi thứ nhất.
Một số phản ứng thường gặp khác (tỷ lệ từ 1/100 đến dưới 1/10 trường hợp) là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm.
Các phản ứng không phổ biến (từ 1/1.000 đến dưới 1/100 trường hợp): mất ngủ, đau tứ chi, ngứa chỗ tiêm, nổi hạch.
Tỷ lệ rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/10.000 đến dưới 1/1.000 trường hợp) là liệt mặt ngoại biên cấp tính.
Một biến chứng khác cũng rất hiếm gặp, đã được ghi nhận tại 1 số quốc gia là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
PGS Hồng nhấn mạnh, sau tiêm, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày tại gia đình (đặc biệt là 7 ngày đầu sau tiêm). Trong 3 ngày đầu, trẻ phải có gia đình, bố mẹ và người giám hộ luôn bên cạnh để hỗ trợ, theo dõi tình hình sức khỏe.
Theo Vietnamnet