Việc ứng dụng công nghệ để giảm bớt vất vả, khó khăn cho lực lượng chống dịch và giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn là rất cần thiết.
Mới đây, tại chốt kiểm soát dịch A24 ở lối xuống từ đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thuộc huyện Gia Lộc, một lái xe tải mặt đỏ bừng bừng, tỏ ra khó chịu khi phải xếp hàng chờ đến lượt mình vào khai báo y tế. Trong khi cũng một lái xe khác chỉ cần dùng điện thoại di động quét mã QR khai báo y tế nhanh chóng, tiện lợi chỉ trong vài phút. Cũng là cách khai báo y tế nhưng nếu mỗi người dân biết tận dụng công nghệ để thực hiện thì vừa đỡ mất thời gian của chính mình lại bớt được vất vả cho lực lượng phòng chống dịch. Nhận rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch nên tại nhiều cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đều nhấn mạnh đến yếu tố "5K + vaccine + công nghệ" và yêu cầu các cấp, các ngành phải tích cực ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát dịch bệnh. TP Hải Dương đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn phải lập mã QR và đặt ở vị trí thuận tiện để người đến giao dịch, làm việc khai báo y tế. Tất cả cán bộ, viên chức, lao động của thành phố sử dụng điện thoại thông minh phải thực hiện khai báo y tế điện tử...
Từ ngày 27.7 đến nay, Hải Dương có hàng chục ca mắc mới, nhiều ca bệnh có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người thì việc ứng dụng công nghệ trong điều tra, truy vết, khoanh vùng để nhanh chóng dập dịch lại càng cần thiết. Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại Nam Sách, Công an tỉnh đã cử lực lượng sử dụng công nghệ cao đến địa phương để hỗ trợ truy vết. Qua đó cơ quan chức năng đã có những biện pháp phòng chống dịch tại đây kịp thời và hiệu quả.
Việc sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống dịch nhưng cần thực hiện đồng bộ hơn. Bởi nếu ứng dụng nửa vời thì công nghệ có hiện đại đến mấy cũng khó có thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Nhiều cửa hàng ở TP Hải Dương vừa sử dụng mã QR, vừa trang bị giấy, bút và cử thêm người (thường là bảo vệ) để lưu thông tin khách hàng. Tại nhiều cửa hàng, lượng khách quét mã QR ngày càng tăng nhưng cũng có nhiều khách hàng còn ngại làm việc này. Hiện nay, các phần mềm khai báo y tế như Bluezone hay NCOVI nhiều khi vẫn bị lỗi nên nhiều nơi vẫn phải bố trí sổ sách để ghi thông tin người đến. Mới đây, hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giúp nhiều chốt kiểm soát thực hiện quản lý người ra vào thuận tiện hơn, giảm ùn tắc giao thông nhưng hệ thống này cũng đã từng bị hacker tấn công...
Cuộc chiến chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh dự báo còn cam go và kéo dài. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để giảm bớt vất vả, khó khăn cho lực lượng chống dịch và giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn rất cần thiết. Đặc biệt tới đây, nếu phải triển khai cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì tỉnh cũng cần sớm tính toán để sử dụng công nghệ vào những việc này. Ngoài sự giám sát của thành viên các tổ "Covid cộng đồng" thì nên lắp đặt camera giám sát hay một thiết bị có khả năng định vị để kiểm soát những người cách ly tại nhà.
Quan trọng như vậy nhưng để ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch không dễ dàng. Trước hết tỉnh cần có lộ trình trong ứng dụng công nghệ vào công tác phòng chống dịch Covid-19; dành nguồn ngân sách nhất định để đầu tư cho việc này, coi đây là giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở các địa phương. Việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng chống dịch cần phải thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có mạnh dạn đầu tư, tích cực ứng dụng công nghệ trong phòng dịch đến đâu nhưng nếu không có sự hợp tác của người dân thì cũng khó có thể phát huy hiệu quả. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công nghệ đặt ra.
HẢI MINH