Sự bồi hồi trong tiếng thở thời gian

31/12/2017 21:25

Kết thúc một năm, chuẩn bị bước sang thềm năm mới luôn là khoảng thời gian gợi nhiều cảm xúc cho con người.

Ở thời điểm ấy, người ta thường có nhu cầu tổng kết, nhìn nhận lại những gì mình đã làm được trong năm qua, nảy sinh nhiều ý tưởng cho năm sắp đến. Trong thơ ca, các cung bậc cảm xúc lại càng phong phú, hòa quyện cùng những nhận thức về thời gian. Trong số các bài thơ ấy, “Cuối năm” của nhà thơ Hữu Thỉnh là một sự trở trăn tuy rất khẽ, rất nhẹ nhàng nhưng tạo nhiều lưu luyến và suy ngẫm.

Khung cảnh trong bài thơ “Cuối năm” là một làng quê khá đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Tuy chỉ bằng vài nét phác đơn sơ trong một  bài thơ không dài, nhà thơ đã tạo cho ta cảm giác đang được đi theo bước chân của người con về thăm quê hương trong dịp kết thúc năm cũ, đón chào năm mới. Làng quê ấy thật thanh bình và ít nhiều mang màu sắc của sự mộng mơ đầy trìu mến với sông, với ao, với hình ảnh “cuối năm rơm rạ nằm mơ ngủ”. Đó là khi mùa gặt đã kết thúc được một thời gian, rơm rạ không còn mới nữa mà đã ngả màu. Ở thời điểm sắp hết một năm, dường như đến vật vô tri như rơm rạ còn muốn nghỉ ngơi để mơ màng, suy tư. Cảm nhận ấy dĩ nhiên xuất phát từ chính tâm  hồn của nhà thơ, con người đang vừa chộn rộn lại vừa bồi hồi bước đi giữa quê hương.

Ở thời điểm cuối năm, khi người ta cảm nhận được rõ nhất bước đi của thời gian thì hoạt động của vạn vật dù nhẹ nhàng hay mạnh mẽ cũng có thể tạo ra những vang âm trong lòng người. Bốn câu thơ đầu tiên tạo thành hai cặp có những sự đối xứng, tương phản khá ấn tượng, khắc họa sâu sắc sự rung cảm này. Cái tĩnh của “rơm rạ nằm mơ ngủ” đối lập với bước chân đi của con người, cái tĩnh của ao đối lập với sự “thưa thớt trôi” của sông. Dù tĩnh hay là động thì vạn vật xung quanh cũng đều không vô tri mà nhuốm đầy cảm xúc, suy nghĩ của con người. Bài thơ được làm theo lối thơ Đường luật tuy không thật chặt chẽ, nệ cổ nhưng lối khắc họa “trong cảnh có tình” theo truyền thống khá đậm nét.

Cảm xúc hòa quyện cùng suy ngẫm được đẩy dần lên qua các câu thơ. Tiếng thở của thời gian làm người ta thảng thốt khi nhìn lại những gì đã qua vì chợt thấy cuộc đời sao hữu hạn và ngắn ngủi: “Đời khi chợt thấy năm trôi vụt/Cá quẫy lòng ao cũng giật mình”. Sự tương phản trong hai câu thơ này không còn là giữa tĩnh và động nữa mà giữa cái động nhỏ với cái động lớn. Tiếng cá quẫy lòng ao, đặc biệt là giữa ban ngày, không phải thanh âm quá ồn ào, phải người rất tinh ý mới có thể nhận ra. Thế mà tiếng quẫy ấy cũng đủ để chủ thể trữ tình trong bài thơ phải “giật mình”. Sự giật mình ấy dĩ nhiên không phải vô tình mà nó được đặt trong bối cảnh con người đang mải miên man suy nghĩ về thời gian. Một năm trôi qua thật nhanh, điều này người ta thường cảm nhận rõ rệt nhất khi năm cũ sắp kết thúc, chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Sự hữu hạn ngắn ngủi của thời gian làm nhà thơ phải giật mình. Dù chỉ là tiếng cá quẫy dưới lòng ao nhưng hoạt động ấy cũng nhắc nhở cho con người về sự chuyển động. Vạn vật đang chuyển động trong tiếng thở của thời gian theo quy luật của tạo hóa. Có những điều dường như rất hiển nhiên như thế nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, cụ thể ở đây là  ngày mùa đông cuối năm, lại khiến người ta giàu cảm xúc và sự suy tư hơn ngày thường.

Sự thảng thốt trước thời gian không kéo dài mà ngay lập tức chuyển thành suy ngẫm sâu sắc, đầy tính triết lý “Cây không đủ trái đền ơn đất/Mượn của trời thêm một chút hanh”. Cây, trái, đất và tiết trời hanh ở đây đều là những hình ảnh ẩn dụ cho con người; xuất phát từ cảnh thật là ở thời điểm mùa đông cuối năm, tiết trời hanh thường giúp hoa trái trở nên ngọt ngào hơn. Cũng giống như khi cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh chóng, cuộc sống của mỗi con người thật hữu hạn trong khi những điều muốn làm lại thật nhiều và rộng lớn, liền nảy sinh tâm lý muốn tìm cách tạo ra nhiều thành quả để đền đắp cho cuộc đời. Điều đáng quý trong cảm ngẫm thơ này là tác giả không mong sống gấp, không hoảng hốt trước cái hữu hạn của đời người mà chỉ muốn đền ơn cho cuộc đời vì những ngày mình đã sống, những gì đã nhận được. Chính tâm thế bình tĩnh và an nhiên này đã tạo sự cân bằng cho bài thơ, là điểm sáng đắt giá kết tinh cái hay, cái đẹp của những vần thơ đầy sức gợi, là sự chuẩn bị bước sang thềm năm mới một cách đáng quý, đáng yêu.

LAM ANH

Cuối năm


Cuối năm rơm rạ nằm mơ ngủ
Tôi bước đi như có bao người
Chiều đông ao thắm ai vừa sắm
Sông nhớ người xa thưa thớt trôi
Đời khi chợt thấy năm trôi vụt
Cá quẫy lòng ao cũng giật mình
Cây không đủ trái đền ơn đất
Mượn của trời thêm một chút hanh.

HỮU THỈNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự bồi hồi trong tiếng thở thời gian