Thị trường

Nông dân Hải Dương lo nguồn nông sản phục vụ thị trường cuối năm

NGUYỆT HIỀN 02/10/2024 11:01

Hiện nông dân Hải Dương đang tích cực khắc phục hậu quả của bão số 3, khôi phục sản xuất để bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường cuối năm.

00:00

z5877308063665_a8dbf2edd5c38b27fa3a8745a1c6750a-2-.jpg
Nông dân huyện Gia Lộc đưa máy móc vào sản xuất để giảm ngày công lao động, nâng cao chất lượng nông sản

Nhanh chóng tái đàn

Bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Tân Lập, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) may mắn khi vừa xuất xong lứa gà thì bão số 3 ập tới. Bà Oanh cho biết: "Ngay sau bão số 3, tôi đã huy động người thân trong gia đình dọn dẹp khu vực chăn nuôi, phát quang cây đổ, dựng lại tường rào, mái ngói, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực chăn nuôi để kịp tái đàn cho dịp cuối năm". Hiện nhà bà Oanh đã sửa xong các khu chuồng bị ảnh hưởng do bão và vừa nhập trên 3.500 con gà để kịp bán ra dịp cuối năm. Với giá gà ổn định từ 53.000 - 54.000 đồng/kg như hiện nay, bà có thể thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng/1.000 con gà.

img_9473(2).jpg
Dự kiến, dịp cuối năm lượng gà đồi Chí Linh cung cấp ra thị trường vẫn dồi dào

Xã Hoàng Hoa Thám là một trong số những địa phương có tổng đàn gà đồi lớn của TP Chí Linh. Xã cũng chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3 với khoảng trên 80% trong tổng số 1.200 trang trại, gia trại chăn nuôi bị thiệt hại. "Ngoài thống kê thiệt hại, chính quyền địa phương đã phối hợp với các khuyến nông viên tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân phun khử trùng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi sau bão và chỉ tái đàn khi môi trường chăn nuôi bảo đảm an toàn", bà Trần Bích Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám nói. Cũng theo bà Thuận, hiện các chủ trang trại, gia trại đã sửa chữa, gia cố xong chuồng nuôi và nhập đàn mới phục vụ thị trường cuối năm. Địa phương có hơn 100 hộ chăn nuôi với tổng đàn trên 500.000 con gà đồi.

TP Chí Linh hiện có khoảng 3 triệu con gà đồi, là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất Hải Dương. Bà Diệp Thị Thư, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh chia sẻ: "Với quy trình chăn nuôi an toàn, chất lượng tốt, "Gà đồi Chí Linh" sẽ tiếp tục được người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt vào dịp cuối năm".

z5876860780795_9284910f2a77c47689a4d5afab795792-1-.jpg
Đây là thời điểm vàng để người nuôi lợn tái đàn phục vụ thị trường Tết (Ảnh tư liệu)

Thịt lợn là nguồn thực phẩm quan trọng hằng ngày, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ vào dịp cuối năm lại càng cao. Chăn nuôi lợn cũng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng nhiều chủ trang trại khẳng định “không lo thiếu nguồn cung”. Theo các hộ chăn nuôi, hiện nay các trang trại mới bắt đầu tái đàn để chăn nuôi dịp cuối năm.

Bà Phạm Thị Mây ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) có trạng trại nuôi hơn 2.000 lợn thịt và 250 lợn nái. Bà cho biết, bão số 3 làm nhiều dãy chuồng nuôi của nhà bị tốc mái nhưng gia đình đã nhanh chóng sửa chữa để bảo đảm điều kiện chăn nuôi. Hiện trang trại của bà vừa sửa sang, khử trùng để tái đàn. Dự kiến, trang trại sẽ xuất bán 600 con lợn thịt lợn phục vụ thị trường cuối năm. “Thời điểm cận Tết, giá lợn thường cao hơn so với ngày thường. Đây cũng là thời điểm được các hộ chăn nuôi tính toán và mong chờ nhất trong năm. Do vậy, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn sẽ dồi dào”, bà Mây nói.

Vào vụ rau mới

z5877316022581_019e2446626175c779781a19dab80ecb(1).jpg
Nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) trồng su hào vụ sớm phục vụ thị trường cuối năm

Vào thời điểm này của những năm trước, nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã chuẩn bị thu hoạch lứa rau vụ đông sớm đầu tiên. Năm nay thì khác, bão số 3 đã làm phần lớn diện tích rau vụ đông cực sớm và rau giống bị thiệt hại. Tuy nhiên do vụ đông là vụ có giá trị nhất trong năm nên bà con nông dân không bỏ lỡ thời cơ mà nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn Ô Mễ đã làm lại đất để kịp trồng lứa rau mới. Theo ông Lượng, giờ mới trồng thì coi như bị nhỡ một lứa rau vụ đông cực sớm nhưng không lo thiếu rau vào dịp cuối năm. Thông thường, từ đầu tháng 10 trở ra, thời tiết cơ bản thuận lợi cho rau vụ đông sinh trưởng và phát triển, nhất là dịp cận Tết.

Huyện Gia Lộc có diện tích trồng cây vụ đông lớn thứ 2 trong tỉnh (sau thị xã Kinh Môn) với 2.900 ha, chiếm 13,4% diện tích cây vụ đông toàn tỉnh. Trong đó có nhiều vùng chuyên canh su hào, cải bắp, su lơ lớn tập trung ở các xã Gia Lương, Gia Khánh, Hoàng Diệu, Toàn Thắng, Lê Lợi… Hiện nông dân trong huyện cũng đang dồn sức để khôi phục diện tích cây vụ đông.

Xã Gia Khánh có khoảng 60 ha chuyên rau vụ đông. Bão số 3 đã làm khoảng 90% diện tích rau vụ đông cực sớm bị thiệt hại. Lỡ vụ đông cực sớm nên nông dân Gia Khánh đã chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp thị trường. Thay vì chuyên canh một vùng rau cải bắp như trước, nông dân chọn đa dạng hóa cây trồng từ ngô, su hào và một số loại rau ăn lá ngắn ngày. Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Khánh, thông thường nguồn rau xanh chỉ khan hiếm trong thời điểm mưa bão, còn sau đó nguồn cung dần dồi dào trở lại. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, dự kiến nguồn cung sẽ dồi dào bởi nhiều hộ đồng loạt trồng lại cùng thời điểm. Do đó, thay vì trồng đồng loạt, nông dân xã Gia Khánh trồng rải vụ để tránh áp lực thu hoạch.

Khả năng thiếu chuối, bưởi cho ngày Tết

z5877750446823_3994d1611ab40fd9bc965fa0a36fef20-1-.jpg
Hơn 200 ha trồng bưởi đào ở xã Thanh Hồng bị thiệt hại nặng do bão số 3

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 đã làm khoảng 2.000 ha rau màu bị ngập đổ, dập nát, 3.500 ha cây ăn quả bị gẫy đổ, 2.669 con gia súc và 941.085 con gia cầm bị chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 2.130 tỷ đồng. Ngay sau bão, ngành nông nghiệp đã có nhiều hướng dẫn và hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn để nhanh chóng ổn định sản xuất.

Mặc dù phần lớn nguồn thực phẩm sẽ dồi dào trở lại vào dịp cuối năm. Thế nhưng một số nông sản khác phục vụ trưng bày bàn thờ ngày Tết như bưởi, chuối… có khả năng sẽ thiếu hụt nếu không tìm được nguồn cung bổ sung từ các địa phương khác. Bão số 3 đã làm nhiều diện tích trồng bưởi và chuối Tết của nông dân trong tỉnh bị thiệt hại, không thể phục hồi để có nguồn thu ngay trong năm nay.

z5877799133515_5b08f673712c5883d1ba6bfb32bef4aa(1).jpg
Phần lớn diện tích trồng chuối Tết trên địa bàn Hải Dương đều gẫy đổ do bão số 3

Xã Thanh Khê (Thanh Hà) nổi tiếng với chuối bán Tết nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên toàn bộ diện tích trồng chuối bị đổ gãy. Bà Hoàng Thị Lập, thôn Xuân An chua xót nói: "Chưa trận bão nào mà người trồng chuối lại mất trắng như bão số 3. Gia đình tôi lo nhất là không biết mua giống chuối ở đâu. Nếu tìm được nguồn giống thì cũng sau Tết mới có thể trồng lại", bà Lập nói.

Cũng ở Thanh Hà, nhiều vườn trồng bưởi ở thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng để dành quả bán Tết, nhưng sau bão hơn 200 ha bưởi đào Thanh Hồng đã rụng gần hết quả. Những quả còn lại thì va đập, vỏ thâm không đẹp mã. Ông Lê Quý Sự, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết năm nay bưởi, chuối mất mùa nên nông sản Tết rất hiếm, có thể người dân phải mua ở nơi khác với giá cao.

Theo thống kê, huyện Thanh Hà có khoảng 70% diện tích bưởi, chuối, ổi, khoảng 50% diện tích vải, khoảng 50% các loại cây trồng khác không thể hồi phục. Riêng chanh, quất và các vùng trồng chuối Tết ở các xã Thanh Khê, An Phượng, Vĩnh Lập, các vùng trồng quất Tết ở các xã An Phượng, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ... cũng không thể cho thu hoạch.

Không chỉ ở Thanh Hà, những vùng trồng chuối, bưởi khác trong tỉnh như Tứ Kỳ, Kinh Môn... cũng trong tình cảnh tương tự. Sau bão, phải mất vài năm nữa, vùng bưởi, quất Tết của nông dân mới có thể khôi phục như trước. Riêng chuối Tết cũng phải mất cả năm.

Nông sản là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu sử dụng sẽ tăng cao vào dịp cuối năm. Đây cũng là vụ quan trọng tạo ra thu nhập chính của nhiều nông dân, đặc biệt sẽ là nguồn thu bù đắp những thiệt hại do bão số 3 gây ra. Còn gần 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Đây đang là thời điểm vàng để nông dân tái đàn, nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất để phục vụ thị trường cuối năm. Do đó, nông dân cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo dự báo lượng hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trong 1 tháng Tết của Sở Công thương những năm trước, từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng, sức mua hàng hóa nông sản tại thị trường Hải Dương gồm: 5.000-6.000 tấn gạo, 3.000-4.000 tấn thịt gia súc, 1,2-1,3 triệu quả trứng gia cầm, 500-550 tấn thịt gà, 900-1.000 tấn thủy sản, hải sản, 10.000-12.000 tấn rau, củ, quả...

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, nhiều mặt hàng còn có thể cung ứng tới các địa phương lân cận. Trong một tháng Hải Dương có thể cung ứng ra thị trường ngoài tỉnh 10.000 tấn gạo, 3.000 tấn lợn thịt, 2.600 tấn gia cầm, 6 triệu quả trứng, 3.000 tấn cá nước ngọt, 20.000-40.000 tấn rau, củ, quả...

NGUYỆT HIỀN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Hải Dương lo nguồn nông sản phục vụ thị trường cuối năm