Tác giả Ngọc Lê Ninh đã hóa thân vào thiên nhiên, vũ trụ, lắng nghe vạn vật khẩn thiết nói lời kêu cứu trong "Thơ mất ngủ".
Thơ mất ngủ
Đêm mất ngủ bên dòng sông vừa chết
Hồn sóng kia lưu lạc ở phương nào?
Nghe cát sỏi đầu thai vào kiếp khác
Mất sông rồi! Tôi khóc vỡ chiêm bao
Đêm không ngủ bên cánh rừng sắp chết
Hồn cây đi lảo đảo giữa sương tàn
Nghe ám ảnh những đời ma lẩn khuất
Rừng đâu còn! Ta gục xuống mê man
Đêm đói ngủ bên những loài thú đói
Đói rừng xanh đói sông suối cạn nguồn
Đói mùa sống trong đất trời tàn lụi
Cả muôn loài bên vực thẳm hoàng hôn
Đêm hết ngủ cá muôn loài hết ngủ
Mắt trừng trừng chúng căn vặn nhìn tôi:
Chính các người gây bao mùa thảm họa
Trái đất buồn đau đớn hóa mồ côi
Đêm khát ngủ bên mây ngàn khát thở
Cả ngàn sao hấp hối giữa tro tàn
Bầu sinh quyển còn chăng sau tiếng nổ
Đau một trời khói bụi mắt thời gian.
NGỌC LÊ NINH
Tiến sĩ, nhà thơ Ngọc Lê Ninh hiện công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tên tuổi của anh được nhiều người biết đến với nhiều đóng góp cho thơ và nhạc. Anh đã có 3 tập thơ và chuẩn bị cho ra mắt tập thơ thứ 4.
Thơ Ngọc Lê Ninh thường tập trung vào 3 đề tài gồm: thế sự, tình yêu, thiên nhiên và môi trường. Trong khá nhiều bài thơ của anh về đề tài môi trường, tôi rất thích bài "Thơ mất ngủ" bởi vấn đề mà bài thơ đặt ra: đó là sự hủy hoại môi trường và trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nhất là trong những ngày vừa qua, khi các tỉnh phía Bắc phải gồng mình chống chọi với sức tàn phá ghê gớm của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu của nó thì vấn đề này càng có ý nghĩa thiết thực. Ấn tượng hơn, vì những vấn đề trên được tái hiện bằng giọng điệu và thi tứ “lạ”. "Thơ mất ngủ" nói về vấn đề môi trường, nhưng Ngọc Lê Ninh lại có một cách tiếp cận khác, không giáo huấn, không hô hào, lên gân. Mà ở đây, nhà thơ hóa thân vào thiên nhiên, vũ trụ, lắng nghe vạn vật khẩn thiết nói lời kêu cứu.
Mọi trăn trở của thi nhân bắt đầu từ đêm mất ngủ rồi gói ghém bao nghĩ suy, day dứt về môi trường đang bị hủy diệt: Đêm mất ngủ; Đêm không ngủ; Đêm đói ngủ; Đêm hết ngủ; Đêm khát ngủ, điệp khúc ấy cứ tăng tiến theo tâm trạng bức bối, khi nhà thơ chứng kiến hiện thực đang bị tàn phá… Vạn vật trong thơ Ngọc Lê Ninh đều có linh hồn. Xót xa trước dòng sông vừa chết, biện pháp nhân hóa được sử dụng khá hữu hiệu để diễn tả tâm trạng, ý nghĩ cũng như nỗi bức xúc của tác giả trước cảnh môi trường bị tàn phá. Sóng, cát sỏi, cây, đều có linh hồn, dưới ngòi bút của Ngọc Lê Ninh, chúng hiện lên sống động, nhức nhối. Câu thơ: “Mất sông rồi! Tôi khóc vỡ chiêm bao”, nỗi đau bị đẩy đến tận cùng khi phải chứng kiến vạn vật đang chết dần, chết mòn trước bàn tay hủy diệt của con người.
Nếu khổ thơ đầu nói về sự hủy diệt tài nguyên nước, thì khổ thứ hai, lại nói về sự tàn phá của con người đối với tài nguyên rừng. Từ “Đêm mất ngủ” đến “Đêm không ngủ” đã có sự chuyển đổi trạng thái: “Đêm không ngủ bên cánh rừng sắp chết/ Hồn cây đi lảo đảo giữa sương tàn/ Nghe ám ảnh những đời ma lẩn khuất/ Rừng đâu còn! Ta gục xuống mê man” . Cảnh những cánh rừng - lá phổi xanh đã và đang bị bàn tay con người tàn phá được nhân hóa khiến cỏ cây cũng có linh hồn như hiện về ai oán bởi sự vô trách nhiệm của con người.
Lời thơ đau xót, bất lực khi màu xanh của rừng đang bị hủy diệt. Hậu quả của:“Đêm mất ngủ", "Đêm không ngủ” là “Đêm đói ngủ”. Ở khổ thơ thứ ba này, chẳng phải ngẫu nhiên tác giả lặp lại từ “đói”: “Đêm đói ngủ bên những loài thú đói/ Đói rừng xanh đói sông suối cạn nguồn/ Đói mùa sống trong đất trời tàn lụi/ Cả muôn loài bên vực thẳm hoàng hôn”. Nhà thơ mượn hình ảnh những loài thú “đói” để nói về sự tận diệt môi trường: rừng xanh bị tàn phá, sông suối cũng cạn nguồn, theo đó là những thảm họa sẽ xảy ra… Vậy nên, ngay cả những loài thú, những sinh vật còn không thể sống nổi, thì làm sao con người có thể tồn tại?
Để rồi hiện thực tàn khốc đang ở bên bờ vực thẳm phải kêu cứu:“Cả muôn loài bên vực thẳm hoàng hôn". Cú pháp “Đêm hết ngủ” được lặp lại: “Đêm hết ngủ cá muôn loài hết ngủ/ Mắt trừng trừng chúng căn vặn nhìn tôi: Chính các người gây bao mùa thảm họa/ Trái đất buồn đau đớn hóa mồ côi”. Khổ thơ như một lời tuyên án: chính con người mới là nguyên nhân của những thảm họa, chính con người đang giết chết đồng loại và chúng sinh. Khổ thơ cuối, nói về sự bất lực của con người trước hiện trạng môi trường đã và đang bị tàn phá:“Đêm khát ngủ bên mây ngàn khát thở/ Bầu sinh quyển còn chăng sau tiếng nổ/ Cả ngàn sao hấp hối giữa tro tàn/ Đau một trời khói bụi mắt thời gian”.
Bầu vũ trụ đặc quánh ngột ngạt, trong cảm quan của tác giả thì dường như tất cả đều đang hấp hối, đang đứng trước vực thẳm và có thể bị hủy diệt bất cứ lúc nào, nếu con người không có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.
Những thi ảnh trong "Thơ mất ngủ" của Ngọc Lê Ninh hợp thành một thế giới siêu thực nhưng không xa lạ. Bởi những cảnh tàn phá, triệt hạ môi trường và hậu quả của nó ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Chọn tứ "Thơ mất ngủ" để trải lòng và ẩn tàng trong đó một nỗi đau trước cảnh môi trường bị ô nhiễm, muôn loài bị hủy hoại, phải chăng tác giả muốn kêu gọi mọi người hãy dừng ngay việc chặt phá rừng, làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí… Nếu không, con người sẽ phải nhận hậu quả khôn lường?
Chọn tứ thơ “Đêm mất ngủ” để “xử lý” nỗi bức xúc của cá nhân và xã hội trong vấn đề bảo vệ môi trường, Ngọc Lê Ninh đã chuyển tải tới độc giả một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc: Hãy cứu lấy môi trường. Vạn vật và vũ trụ đang thống thiết lên tiếng trước sự tàn phá của con người.
NGUYỄN THỊ BÌNH